Chuyển đổi số vào giá trị chuỗi nông sản | Bài học từ nông dân tỉnh Hải Dương

31/03/2022 | Mô hình ứng phó cho doanh nghiệp dịch vụ khác

Chuyển đổi số vào giá trị chuỗi nông sản | Bài học từ nông dân tỉnh Hải Dương

Việc ứng dụng chuyển đổi số vào chuỗi giá trị nông sản sẽ làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, đồng thời là bước đột phá để nâng giá trị nông sản, tăng cao thu nhập cho bà con nông dân.

1. Bối cảnh:

Đại dịch COVID-19 đã kéo dài gần 2 năm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác nông sản của người nông dân. Những đợt giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông sản của người dân, quá trình vận chuyển hàng hóa nông sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cũng như ảnh hưởng đến chính nhu cầu của người tiêu dùng nông sản. Việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, nông dân bị thương lái ép giá.

2. Biện pháp:

Tham gia sản xuất nông sản theo các chương trình đạt chuẩn về nông nghiệp

Ngày càng nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông sản theo chương trình OCOP, VietGap, GlobalGap... Việc tham gia vào các chương trình đạt chuẩn giúp cho nông sản của bà con được biết đến rộng rãi hơn thông qua quảng cáo của các chương trình. Đồng thời, nhờ gia nhập những chương trình đạt chuẩn, nông sản của bà con được nâng tầm thương hiệu qua quá trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt đến từ chương trình. Đồng thời, việc đưa nông sản đến các kênh phân phối có uy tín giúp cho nông sản bà con được giảm giá thành do tiết kiệm chi phí vận chuyển, quảng cáo.

Hầu hết nông sản được thu mua tại ruộng và hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Điển hình nhất là quả vải thiều Thanh Hà, nhiều năm gần đây đã xuất khẩu nên được nâng tầm giá trị.

Tham gia vào các sàn thương mại điện tử

Với sự tham gia của các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Lazada.vn, bà con nông dân huyện Thanh Hà đã đưa vải thiều đặc sản Thanh Hà đến các tỉnh, thành phố trên cả nước và vươn ra được các thị trường kỹ tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia...

Để phục vụ được cho dự án, Sendo cùng bà con nông dân và các cơ quan ban ngành địa phương đã làm việc rất chặt chẽ với nhau để xây dựng từ đầu nên một quy trình đóng gói, vận chuyển mà sau đó đã được tiếp tục áp dụng ở các tỉnh thành khác.

3. Kết quả đạt được:

Các hợp tác xã Hải Dương tiêu thụ được hơn 50 tấn vải và 100 tấn rau cải xanh thông qua một kênh tiêu thụ là sàn thương mại điện tử.

Nhờ bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, ứng dụng trồng vải Thanh Hà, trồng bưởi Thanh Hồng theo quy trình VietGap, GlobalGap, mà người dân đã có một vụ mùa 2021 bội thu. Không những không còn cảnh được mùa rớt giá như một số năm trước đây, thủ phủ vải thiều Thanh Hà năm 2021 đã được thu mua với giá khá cao và có thêm đơn hàng xuất khẩu bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Việc ứng dụng chuyển đổi số cho chuỗi giá trị nông sản đã mở ra cơ hội cho nông dân được bán những sản phẩm tốt nhất của mình trực tiếp cho người tiêu dùng.

Để tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi cho chuỗi giá trị nông sản, địa phương và ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan sớm xây dựng, triển khai được một sàn giao dịch mạnh, chuyên về giao dịch nông sản thực phẩm, có thể kết nối một cách thuận lợi nhất, dễ dàng nhất để các hợp tác xã, chủ trang trại có thể đưa hàng hóa của mình đến tay người tiêu dùng.