Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện Green Marketing thời kỳ hậu COVID-19

16/02/2022 | Kế hoạch phục hồi

Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện Green Marketing thời kỳ hậu COVID-19

Green Marketing để chỉ hoạt động tiếp thị những sản phẩm được cho là tốt, thân thiện với môi trường được biểu hiện ở những chiến lược thay đổi thiết kế sản phẩm, quy trình đóng gói, hoạt động quảng cáo nhằm đáp ứng được nhu cầu xanh của người dùng.

Xu hướng Green Marketing đã trỗi dậy và trở thành thế lực cạnh tranh trực tiếp với loại hình marketing truyền thống bởi vì chiến lược này hướng tới lợi ích của môi trường, lợi ích của đất nước sạch không dịch bệnh, cũng là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên toàn cầu. Hơn thế, bên cạnh những lợi ích thiết thực từ môi trường sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp hiện nay hướng tới sự phát triển bền vững từ đó để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ vừa phù hợp với nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế thân thiện với môi trường sau dịch bệnh của Việt Nam vừa có tác dụng thức tỉnh lương tâm bảo vệ môi trường sau dịch bệnh.

1. Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện Green Marketing thời kỳ hậu Covid-19:

Thứ nhất, nhìn chung mức tiêu dùng của người dân đã được cải thiện. Mặt khác, Nhà nước thắt chặt các quy định về bảo vệ môi trường, hệ thống luật pháp trở nên hoàn thiện làm doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực “làm xanh” và đồng thời cũng được hưởng nhiều ưu đãi khi áp dụng các chính sách này.

Thứ hai, hậu Covid-19 đã giúp ý thức tiêu dùng tăng cao từ đó những yêu cầu về các sản phẩm xanh, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng và thân thiện với môi trường là một đòi hỏi thiết yếu của người dân. Đây chính là thị trường tiềm năng của Marketing xanh để giúp các doanh nghiệp khai thác.

Thứ ba, sự tự ý thức của doanh nghiệp về Marketing xanh ngày càng cao. Trong thời kỳ hậu Covid-19, vấn đề bảo vệ môi trường, thực phẩm sạch được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong nước, được nhắc đến trong giảng dạy trường học, được bình luận trong tất cả các hội nghị từ trung ương đến địa phương, thì việc xây dựng một hình ảnh đẹp trong mắt người tiêu dùng, thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế đồng thời đây chính là cách để doanh nghiệp phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu tăng trưởng lâu dài.

Thứ tư, chiến lược marketing xanh hiện đang là xu thế toàn cầu, đó là cơ hội để sản phẩm xanh chiếm lĩnh thị trường của người tiêu dùng. Trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp, các quốc gia trong thương mại quốc tế, các sản phẩm xanh, sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường sẽ thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng.

Thứ năm, hoạt động marketing xanh trong các doanh nghiệp nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

2. Thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện Green Marketing thời kỳ hậu Covid-19

Thứ nhất, thách thức lớn nhất với các marketer là làm sao kết hợp được giữa nhu cầu “bảo vệ môi trường” với những nhu cầu cơ bản khác của người tiêu dùng như tương quan chi phí – hiệu quả, an toàn khi sử dụng, hiệu suất, giá trị biểu tượng và tiện nghi. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược đúng đắn để vừa đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng và vừa đảm bảo mục đích bảo vệ môi trường.

Thứ hai, việc thực hiện chiến lược Green Marketing sẽ khiến cho chi phí đầu tư lớn và giá thành sản phẩm cao. Marketing xanh là sự kết hợp một loạt các hoạt động, bao gồm việc điều chỉnh sản phẩm, thay đổi quá trình sản xuất, thay đổi bao bì, cũng như thay đổi quảng cáo. Chính vì sự đầu tư trong công nghệ dây chuyền đó kéo theo sự tăng lên về chi phí và một điều tất yếu là giá cả thành phẩm cũng tăng theo. Một quy luật tất yếu là sản phẩm của họ sẽ kém tính cạnh tranh hơn trên thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam với quy mô vừa và nhỏ thì kinh nghiệm cũng như quy mô và việc cắt giảm được những chi phí có liên quan như chi phí quản lý hiện đang là bài toán gây đau đầu.

Thứ ba, chưa có sự phối hợp chặt chẽ cao giữa các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng. Ở Việt Nam hệ thống pháp lý quy định về các vấn đề môi trường là chưa hoàn chỉnh, các tiêu chuẩn đặt ra được lấy theo tiêu chuẩn quốc tế, không thực tiễn ở Việt Nam. Hơn nữa, chúng ta cũng chưa kết hợp được sức mạnh của các tổ chức phi lợi nhuận để tạo ra một trào lưu đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng hoặc nếu có thì trào lưu đó hoạt động chưa liên tục và tất yếu là chưa có nhiều kết quả.

Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô vốn hạn chế trong khi đó để thực hiện quy trình Marketing xanh đòi hỏi phải sử dụng khoa học công nghệ hiện đại, tốn kém. Ngoài ra chi phí dành cho nguyên vật liệu, marketing quảng cáo sản phẩm cũng không nhỏ chút nào.

3. Kiến nghị giải pháp:

Chính phủ có thể dùng các biện pháp để khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện Marketing xanh như là

  • Hỗ trợ một phần vốn và công nghệ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
  • Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường và cách thức thực hiện, nâng cao nhận thức của người dân.
  • Tiếp thu ứng dụng mới trong bảo vệ môi trường và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
  • Liên kết với các quốc gia, tổ chức quốc tế chung tay bảo vệ môi trường, khuyến khích, thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp thực thi chiến lược Marketing xanh.

Doanh nghiệp nên tập trung trai thác ở ba khía cạnh:

  • Quy trình lên kế hoạch marketing, ngân sách và đào tạo con người.
  • Quảng bá sản phẩm, nâng cao nhận thức về môi trường và phá vỡ những mâu thuẫn về hành vi của người tiêu dùng: Các doanh nghiệp cần quảng bá đúng mực và trung thực sản phẩm của mình để tạo ra lòng tin đối với khách hàng, giúp họ dễ dàng lựa chọn những sản phẩm xanh.
  • Tạo ra những nhân tố thúc đẩy ý thức mua hàng của người tiêu dùng bao gồm cả nhân tố lợi ích hay đạo đức.
  • Lưu ý, phải có sự liên kết giữa sản phẩm xanh với lợi ích người tiêu dùng: chú trọng yếu tố môi trường nhưng không thể đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu mà quên đi lợi ích của người tiêu dùng.

Tổng hợp từ Hội thảo Khoa học Kinh tế Việt Nam hậu COVID-19, tháng 8/2021.