Đổi mới sáng tạo hậu đại dịch: Cơ hội chuyển mình của doanh nghiệp

18/01/2022 | Kế hoạch phục hồi

Đổi mới sáng tạo hậu đại dịch: Cơ hội chuyển mình của doanh nghiệp

Đại dịch Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển mình, thích nghi với các xu hướng phát triển mới. Trong đó bao gồm việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, kinh tế số thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, nghiên cứu phát triển công nghệ, sản phẩm mới.

Định vị đổi mới sáng tạo trở thành trọng tâm

Chuyển đổi số trong thời gian hiện tại đã trở thành một trong những giải pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới. Trong thời gian qua, nhờ số hóa dữ liệu hay tự động hóa, nhiều doanh nghiệp đã tối ưu hóa các quy trình sản xuất, nghiệp vụ cho đến chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 nền kinh tế cùng mức thu nhập về chỉ số đổi mới sáng tạo. So với năm 2015, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 10 bậc.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đổi mới sáng tạo đang đứng trước cơ hội lớn, như sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng; sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tác động của đại dịch Covid-19 khiến giao dịch số tăng mạnh. Đặc biệt, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số.
Vì vậy, trong thời gian tới, việc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cần có một kế hoạch và trở thành mục tiêu chiến lược của mỗi doanh nghiệp để có thể duy trì được sản xuất và phát triển dài hạn. Việc phân bổ nguồn lực trong dài hạn cho các nền tảng, hạ tầng số trong mỗi doanh nghiệp cũng cần được chú trọng một cách hợp lí.
Nâng cao năng lực doanh nghiệp nên là ưu tiên hàng đầu
Bên cạnh đó, việc ứng dụng thành công công nghệ mới không chỉ là việc mua máy móc, thiết bị mà phải tích hợp đầy đủ máy móc, thiết bị đó vào quy trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp cần phải bắt đầu với việc cải cách các tập quán tổ chức và quản lý cơ bản, cho phép các công ty sử dụng và điều chỉnh các quy trình mới, và tiến tới áp dụng các tri thức công nghệ phức tạp hơn gắn với Công nghiệp 4.0. Thu hẹp khoảng cách về năng lực có ý nghĩa quan trọng đối với việc hấp thụ công nghệ mới trong quy trình sản xuất tương tự như đối với việc phát triển các dịch vụ số.
Bên cạnh nhiều công cụ chính sách để tăng cường năng lực doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo phi R&D, tự bản thân chính các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu và nắm bắt các chính sách này, để chúng trở thành động lực giúp doanh nghiệp có thể xây dựng khả năng hấp thụ của chính doanh nghiệp mình và cung cấp thông tin, tri thức về cách áp dụng các công nghệ mới. Bên cạnh đó, đầu tư vào nhân lực cũng là một trong những vấn đề cần lưu tâm. Đối với các nền tảng công nghệ còn nhiều mới mẻ, việc có những chuyên gia cũng như đội ngũ nhân sự chuyên dụng sẽ giúp chính doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức để làm quen, vận hành trơn tru cũng như cải tiến dần dần trong tương lai. Mặt khác, các nền tảng số cũng có các điểm yếu quan trọng có thể kể đến như tính bảo mật hay tính riêng tư, vì thế, việc có một nguồn nhân lực và chi phí phòng trừ những rủi ro có thể xảy đến cũng là một bước đi cần thiết cho các doanh nghiệp.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng để cải thiện môi trường hoạt động
Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong vĩ mô. Còn trong các doanh nghiệp, việc đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sáng chế, công nghệ liên quan đến lĩnh vực chuyển đối số, ứng dụng số cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp cần lưu tâm. Điều này đem đến cho doanh nghiệp sự đảm bảo nhất định trước những rủi ro bị xâm phạm bản quyền. Bên cạnh đó, việc am hiểu về các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng giúp cho chính doanh nghiệp không bị vướng vào các vấn đề pháp lý khi tiếp thu, học hỏi các thành tựu khoa học kĩ thuật của các mô hình thành công. Đặt trong mối quan hệ với các doanh nghiệp có mong muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài để mở rộng cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, việc có một sự hiểu biết và tuân thủ chặt chẽ các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng có thể giúp doanh nghiệp tiến xa hơn trong các đàm phán của mình.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ về khung pháp lý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đang thực hiện nhiều nỗ lực trong chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu mới nhất, xếp hạng bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đứng ở 105 trong số 141 quốc gia, đứng sau Singapore (thứ 2), Malaysia (25), Hàn Quốc (50), Indonesia (51), Trung Quốc (53) và Philippines (55). Báo cáo và đánh giá của các bên thứ ba về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, mặc dù ghi nhận những cải thiện trong khuôn khổ pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam nhằm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vẫn thể hiện sự lo ngại về tình trạng thiếu thực thi quyền sở hữu trí tuệ và đặc biệt là việc thực thi quyền tác giả trên môi trường trực tuyến chưa đầy đủ. Việt Nam cũng vẫn là một trong những quốc gia sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái lớn nhất trong nhiều lĩnh vực. Vì thế có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước trong việc cải thiện các chính sách thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần tự mình nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình trong việc bảo hộ cũng như tuân thủ các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ, nhất là trong môi trường mở, dễ dàng chia sẻ mọi thứ nhờ công nghệ như hiện nay.
Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức phát triển trên phạm vi toàn cầu, bao gồm những tác động của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước dịch COVID-19. Do đó, cần có các giải pháp đổi mới hơn bao giờ hết và tận dụng sức mạnh của trí tuệ để giải quyết những thách thức để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và phục hồi, phát triển tốt hơn trong dịch cũng như sau khi dịch COVID-19 qua đi. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Thế hệ kinh doanh nới là "mở" trong thiết kế mô hình vận hành, sản xuất kinh doanh, "mở" trong liên kết hợp tác đồng thời "mở" trong tư duy, cách tiếp cận vấn đề để cùng nhau "liên kết hợp tác", chia sẻ lợi nhuận và phát triển bền vững. Chỉ khi liên kết với nhau, hình thành chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo giá trị cộng hưởng cho nhau thì mô hình kinh doanh thế hệ mới mới phát triển được.