Đón sóng đầu tư từ nước ngoài | Bài học từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

05/05/2022 | Mô hình ứng phó cho doanh nghiệp sản xuất

Đón sóng đầu tư từ nước ngoài | Bài học từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

Mặc dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh COVID-19, song dệt may vẫn là một trong những ngành hàng xuất khẩu có kết quả ấn tượng nhất của Việt Nam trong quý đầu năm 2022. Hiệu quả đầu tư cùng với việc tận dụng tốt các cơ hội thị trường và khách hàng đã giúp ngành vượt qua được nhiều khó khăn, thách thức.

1. Bối cảnh

Ngành Dệt May là một ngành bị ảnh hưởng không nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tác động của làn sóng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng ngay đến giá bông thế giới tăng cao khi Ấn Độ – nước đang bị Covid -19 tàn phá nặng nề không xuất khẩu được bông.

Với sản xuất dệt may trong nước, nếu như doanh nghiệp có công nhân bị dương tính với Covid-19, hoặc công nhân sống trong vùng có dịch bị phong tỏa, không thể sản xuất được, thì thiệt hại rất lớn. Trong năm 2021 vừa qua, doanh nghiệp đã ký hợp đồng tới quý III/2021, do đó nếu không có công nhân đi làm, sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký không thực hiện được đúng hạn, doanh nghiệp sẽ mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín.

2. Cách làm của doanh nghiệp

Kinh nghiệm ứng phó dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu

Ngay từ khi xuất hiện dịch đến nay, Tập đoàn liên tục có chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tập đoàn đã tiến hành họp trực tuyến với Lãnh đạo các đơn vị, gửi công văn nhắc nhở các DN thành viên triệt để thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch. Toàn bộ hệ thống các đơn vị trong Tập đoàn đã nâng báo động lên mức cao nhất về tình hình lây lan. Công tác thông tin tuyên truyền từ trên xuống dưới và trong nội bộ các DN cũng được đẩy mạnh, để NLĐ tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 7K trong DN và trong cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức của NLĐ trong phòng chống dịch ở cả nơi họ sinh sống. Công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo cập nhật thông tin dịch bệnh được tiến hành hàng ngày…

Tập trung sản xuất xanh

Đối với các sản phẩm dệt may xuất khẩu sang thị trường EU, nhà nhập khẩu có thể đòi hỏi các yêu cầu mà nhà xuất khẩu buộc phải có như: Yêu cầu liên quan đến an toàn sản phẩm, sử dụng hóa chất (như REACH). Yêu cầu này hạn chế việc sử dụng hóa chất trong quần áo và đồ trang trí, bao gồm một số thuốc nhuộm azo, chất chống cháy, hóa chất chống thấm và chống ố và niken.

Cùng đó, EU yêu cầu đảm bảo sản phẩm tuân thủ Chỉ thị An toàn sản phẩm chung của Liên minh châu Âu ( GPSD: 2001/95 / EC)... Ngoài ra, nhà nhập khẩu có thể có các yêu cầu về trách nhiệm xã hội đối với người bán...

Đặc biệt, trong vòng ba năm tới, xu hướng nhiều người mua sẽ yêu cầu người bán phải đáp ứng nhiều hơn các vấn đề liên quan tói truy xuất nguồn gốc nguyên liệu; sử dụng nhiều vật liệu tái chế hoặc tái sinh hơn; giảm lượng khí thải carbon và việc sử dụng hóa chất của sản phẩm; đo lường tác động môi trường của quá trình sản xuất, và đảm bảo mức lương đủ sống và môi trường làm việc an toàn cho nhân viên của nhà máy.

Hiện nay, các đơn vị thành viên của Vinatex đáp ứng khá tốt yêu cầu của các thị trường nhập khẩu đối với các quy định về hoá chất và an toàn sản phẩm. Các quy định này luôn được khách hàng kiểm soát rất chặt chẽ và doanh nghiệp không có cách nào ngoài việc bắt buộc phải tuân thủ.

Quan điểm đầu tư của Vinatex trong những năm tới:

  • Đầu tư chủ động theo định hướng chiến lược của Tập đoàn để tạo liên kết chuỗi;
  • Nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết bị sản xuất;
  • Cải thiện năng suất, chất lượng, điều kiện làm việc, hướng tới quản trị thông minh, sản xuất xanh và bền vững
  • Đầu tư thiết bị tự động hoá cao, tăng năng suất, hướng tới giảm lao động và cải thiện điều kiện làm việc
  • Đầu tư thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng đặc biệt là nguồn năng lượng không tái tạo.
  • Tăng cường sử dụng năng lượng xanh, các dự án mới đều sử dụng điện áp mái.
  • Nghiên cứu và triển khai sử dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm giảm phát thải, giảm sử dụng hoá chất, giảm tiêu thụ nước và năng lượng, hướng tới sản xuất xanh, bền vững.
  • Tiếp tục phát triển các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của các thị trường xuất khẩu mà Vinatex đang hướng đến.

Tận dụng từ các hiệp định quốc tế

Trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào" vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay. Đơn cử, Nhật Bản là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đây, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản, trong khi đó Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Với Hiệp định RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.

RCEP được kỳ vọng là giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường rộng lớn này. Về mặt thị trường xuất khẩu, chúng tôi kỳ vọng sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu thêm nữa vào thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.

Đối với bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào, Vinatex luôn luôn khuyến khích cũng như phổ biến kiến thức cho các đơn vị về lộ trình giảm thuế, quy tắc xuất xứ, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại...

Ngoài ra, tập đoàn cũng tổ chức các chuyến kết nối thực tế giữa doanh nghiệp trong Vinatex với khách hàng để doanh nghiệp chủ động tìm hướng hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tối đa các lợi ích mà hiệp định này mang lại.

3. Kết quả đạt được

Doanh thu hợp nhất quý 1 đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 28,5% so với kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 376 tỷ, tăng gần 74% so với 2021 và đạt 39,6% so với kế hoạch 2022. Đây là kết quả quí 1 tốt nhất của Vinatex trong vòng 10 năm trở lại đây.