Giải cứu nông sản hậu đại dịch Covid-19: Doanh nghiệp cần làm gì?

14/01/2022 | Kế hoạch phục hồi

Giải cứu nông sản hậu đại dịch Covid-19: Doanh nghiệp cần làm gì?

Đối với ngành nông nghiệp Việt Nam suốt mùa dịch qua, cụm từ “giải cứu” nông sản đã xuất hiện và trở thành một khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong tình thế người nông dân đang bất ngờ rơi vào cảnh lao đao khi hàng hóa ế ẩm, mất giá trong thị trường trong nước hay bị tắc nghẽn tại các cửa khẩu khi xuất khẩu sảng nước ngoài. Trong tình thế này, các doanh nghiệp chế biến nông sản cũng như các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nông sản cần làm gì?

Chế biến nông sản thành sản phẩm mới
Giải cứu các mặt hàng nông sản không thể tiêu thụ được bằng cách chế biến thành nhiều món thành phẩm khác nhau là một trong số các giải pháp sáng tạo được nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản áp dụng trong tình hình hiện nay.
Một trong các tiêu biểu cho việc thực hiện giải pháp này phải kể đến hệ thông các siêu thị thuộc Central Retail bao gồm BigC, Go!, Top Market đã và đang thực hiện chương trình “Đồng hành cùng nông dân” nhằm giải cứu thanh long đang không thể xuất khẩu qua biên giới hoặc sản xuất cầm chừng.
Với chương trình này, Central Retail sẽ thu mua thanh long trực tiếp từ các hợp tác xã và hộ nông dân, sau đó phân phối và bày bán tại các siêu thị trong hệ thống. Ngoài việc bán trực tiếp trái thanh long, Central Retail còn chế biến thêm nhiều sản phẩm từ thanh long như bánh mì thanh long, thạch thanh long, sinh tố - nước ép thanh long, bánh bông lan từ thanh long, v.v.. Đại diện Central kỳ vọng trong tuần đầu tiên triển khai, chương trình sẽ tiêu thụ được 20 tấn thanh long và tăng dần sản lượng vào những ngày cuối năm âm lịch.
Việc giải cứu nông sản không còn là một việc quá mới mẻ hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, với các phương thức giải cứu khác nhau để tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, nông sản “được giải cứu” thậm chí còn có thể có giá trị hơn so với nông sản bình thường. Một ví dụ nổi tiếng nhất thời gian gần đây có thể kể đến công ty thực phẩm Duy Anh ở TP. Hồ Chí Minh với hai loại sản phẩm bánh tráng thanh long và mì dưa hấu năm 2020. Doanh nghiệp này đã trải qua hơn 10 ngày nghiên cứu với 8 công thức khác nhau để cho ra kết quả sau cùng. Theo chia sẻ của chủ doanh nghiệp, 2 sản phẩm này vừa chào hàng đã được thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc yêu thích. Vì khách Nhật và Hàn thích dùng các món đầy màu sắc này để cuốn thịt nướng, ăn với sushi, v.v.. Lô đầu tiên công ty xuất đi Nhật 3,5 tấn sản phẩm và xuất đi Hàn 4 tấn sản phẩm.
Như vậy, có thể thấy rằng không chỉ bán nguyên liệu thô, các doanh nghiệp kinh doanh có thể đa dạng hóa sản phẩm thành phẩm để tạo nên nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt và giá thành ổn định. Điều này không chỉ giúp việc kinh doanh của doanh nghiệp bền vững và phát triển mà còn tạo thêm lợi nhuận cho thị trường.
Nguồn cung cho doanh nghiệp chế biến
Có thể thấy, nếu hàng hóa không thể được xuất khẩu được, thì ở khâu chế biến có sự thiết lập chuỗi liên kết, xuất khẩu chính ngạch là rất quan trọng. Bên cạnh yêu cầu về nguyên vật liệu đầu vào phải đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn nông nghiệp thì ở phía doanh nghiệp, hiệp hội chế biến, việc đầu tư vào máy móc, dây chuyền công nghệ cũng như nguồn nhân lực đảm bảo.
Hiện nay, theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu thực tế, năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức “trung bình tiên tiến”. Năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%. Vì thế, trong thời gian tới khi hội nhập hóa một cách sâu rộng, để có thể gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, chỉ có con đường duy nhất là con đường xuất khẩu chính ngạch, với các sản phẩm đang được qua sơ chế, đóng gói kĩ càng theo các tiêu chuẩn chung.
Bên cạnh đó, một vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam đó là lượng hoa quả tươi đang dư thừa tuy nhiên tỷ lệ chế biến vẫn còn thấp. Cụ thể, cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30% - vẫn còn là một mức thấp. Trong khi đó, ở các thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu, tiêu biểu như Trung Quốc, xu hướng của người tiêu dùng lại là sử dụng các sản phẩm khô, sấy dẻo…
Vì thế, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp chế biến cũng nên tập trung tìm các nguồn cung tiềm năng trong thời gian tới đồng thời kết nối các vùng nguyên liệu, cụm liên kết chế biến bảo quản nông sản theo đường đi của sản phẩm.