1. Triển vọng
Báo cáo Đầu tư thế giới (World Investment) 2021 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) cho biết: nếu như trước đại dịch Covid-19, năm 2019, FDI toàn cầu đạt 1.500 tỷ USD, thì năm 2020 đã giảm xuống còn 1.000 tỷ USD, năm 2021 dự báo tăng nhẹ lên 1.100-1.200 tỷ USD.
Còn theo Báo cáo Đầu tư ASEAN 2020-2021 của Ban Thư ký ASEAN và UNCTAD (ASEAN Invesment Report 2020-2021), FDI của ASEAN năm 2019 đạt 192 tỷ USD, chiếm 11,9%, sang năm 2020 đạt 137 tỷ USD, giảm 25% so với 2019, chiếm 13,7% FDI toàn cầu. Dự báo FDI vào các nước Châu Á năm 2021 tăng 5%-10%, trong đó một số nước lớn của ASEAN đóng góp quan trọng.
UNCTAD dự báo do dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều nước ban hành cơ chế, chính sách mới ưu đãi đầu tư nên FDI toàn cầu năm 2022 có thể khôi phục mức năm 2019. Nguồn vốn FDI vào châu Á, trong đó có một số nước lớn trong ASEAN, có thể đạt mức cao hơn năm 2021.
Một số tổ chức quốc tế, như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nhận định khá lạc quan về triển vọng khôi phục và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022, với dự báo tốc độ tăng GDP đạt 6,5%- 6,8%. Các nhà đầu tư quốc tế coi Việt Nam là đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư.
Năm 2022, cùng với việc triển khai thực thi CPTPP và EVFTA, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện một số FTA thế hệ mới khác, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã tích lũy được kinh nghiệm trong thương mại với những đối tác của FTA thế hệ mới, nên đã chuẩn bị điều kiện để mở rộng quan hệ song phương trong bối cảnh bình thường mới.
Căn cứ những nhân tố trên đây và kết quả thực hiện năm 2021, dự báo triển vọng năm 2022 có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21-22 tỷ USD vốn thực hiện, đạt mục tiêu về số lượng của Nghị quyết số 50 ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030: giai đoạn 2021 - 2025 vốn đăng ký khoảng 30-40 tỷ USD/năm, vốn thực hiện khoảng 20-30 tỷ USD/năm.
2. Giải pháp tận dụng thực thi hiệu quả các FTA
Trong thời gian tới, cần coi trọng hơn thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội theo mục tiêu tại Nghị quyết số 50-NQ/TW. Cụ thể, phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 so với năm 2018; Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20%-25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025; Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 tăng lên 70% vào năm 2025.
Về phía Nhà nước
Cần đẩy nhanh cuộc cải cách thể chế để khắc phục những điểm nghẽn đang tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế, thu hút FDI và hoạt động của khu vực kinh tế FDI, như: hoàn thiện và thực thi thể chế, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục gây phiền hà cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh và kịp thời mọi vi phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, như: đất đai, môi trường, trốn thuế, lậu thuế, chuyển giá, tranh chấp lao động; bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của FTA thế hệ mới, như: kinh doanh có trách nhiệm, xóa bỏ lao động cưỡng bức, không sử dụng lao động trẻ em, trả lương theo lao động bình đẳng giới tính.
Các khâu quản lý nhà nước cần được đổi mới toàn diện, như: xúc tiến đầu tư chuyển trọng tâm từ hội nghị, hội thảo sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn; tận dụng FTA thế hệ mới để doanh nghiệp lớn của các nước OECD, châu Âu, Mỹ thực hiện dự án, mà nước ta cần thu hút FDI; đơn giản hóa thủ tục thẩm định; chuyển sang công nghệ số, qua mạng internet để cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian ngắn nhất; hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư nhất là giải phóng mặt bằng, nhập khẩu trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng để sớm đưa dự án vào vận hành.
Về phía doanh nghiệp
Để vượt qua những thách thức của bối cảnh cạnh tranh toàn cầu cũng như đại dịch, tận dụng hiệu quả tối ưu từ thu hút FDI, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy và hành động của nhà quản trị và người lao động tại doanh nghiệp, cần có sự hợp tác hiệu quả của doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế, hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức tư vấn, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), khu vực vốn chiếm phần lớn tỷ trọng doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trước mắt, nhưng các nhà quản trị doanh nghiệp cần nhận thức rằng, chuyển đổi số là cấu trúc lại doanh nghiệp thích ứng với kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, bảo đảm nâng cao hiệu quả kinh tế của đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, Do đó, không thể chậm trễ trong việc lập kế hoạch và thực thi chuyển đổi số trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, khi đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Chủ động chuyển sang kinh tế số của Việt Nam không thể coi là thành công nếu không có SME tham gia và thực hiện có kết quả. Do đó, doanh nghiệp lớn và tập đoàn kinh tế, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức khoa học, giáo dục, tổ chức tư vấn cần coi việc hợp tác và giúp đỡ SME là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện định hướng và mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia. Họ cần coi đây là nền tảng để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tối ưu hóa hiệu quả thu hút FDI từ các hiệp định FTA thế hệ mới.
Một số hoạt động, như: xúc tiến thương mại và đầu tư, tìm kiếm và cập nhật thông tin thị trường; hoạt động vận động chính sách, doanh nghiệp có thể tự làm một cách đơn lẻ, nhưng rất tốn kém, khó đạt kết quả mong đợi; do đó, việc liên kết cùng hành động với các doanh nghiệp khác trong khuôn khổ hiệp hội nghề nghiệp, câu lạc bộ là giải pháp hiệu quả trong quá trình thực hiện EVFTA và CPTPP, cũng như thực thi các FTA.
WHO dự báo, dịch Covid-19 có thể được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu vào giữa năm 2022, khuyến cáo các quốc gia cần chuyển sang trạng thái bình thường mới, mở cửa với thế giới, phục hồi và phát triển kinh tế. Đó cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam để vượt qua thách thức trước mắt, tranh thủ cơ hội mới của năm 2022, thu hút FDI và khu vực kinh tế FDI có hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn vào chuyển dịch sang kinh tế số, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Kế hoạch 5 năm 2021- 2025./.
Nguồn: Doanh nghiệp Hội nhập