Hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh hậu COVID-19

17/05/2022 | Kế hoạch phục hồi

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh hậu COVID-19
Sau đại dịch COVID 19, có thể thấy những thay đổi về môi trường kinh doanh, thói quen sinh hoạt, thay đổi về xã hội, do đó việc trang bị, hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp là cần thiết, để doanh nghiệp duy trì được tính bền bỉ và tăng năng lực cạnh tranh của mình.

1. Hỗ trợ từ các ngân hàng

Các chính sách hỗ trợ từ ngân hàng

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4-2022, tín dụng ngân hàng tăng 6,75% so với cuối năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhiều năm qua, chủ yếu do nhu cầu vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng.

Mặt bằng lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây sẽ tác động tới lãi suất cho vay nhưng khả năng sẽ khó tăng mạnh do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện tốt việc kiểm soát lãi vay, như duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, giữ nguyên các lãi suất chính sách ở mức thấp kỷ lục kể từ tháng 10-2020.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm trong thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh tỉnh, thành phố đều có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường để góp phần giữ ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát. Trong bối cảnh giá xăng, dầu đang leo thang, việc giảm lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi.

Những chương trình, ưu đãi của các ngân hàng

Thực tế, hầu hết các ngân hàng thương mại cũng liên tục đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Từ cuối tháng 02/2022 đến nay, Vietcombank đã triển khai sản phẩm dịch vụ phi tín dụng lãi suất đặc biệt thấp, với quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng. Đối với khách hàng lẻ, từ cuối tháng 03/2022, Vietcombank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh với quy mô lên tới 130.000 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) có thể giảm 0,2-0,4%/năm, tùy tình hình từng doanh nghiệp. OCB cố gắng tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất cho khách hàng trên cơ sở tiết giảm các chi phí vốn và đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào.

2. Hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ

“Gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Bộ Các Vấn Đề Toàn Cầu Canada (GAC) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) sẽ hỗ trợ 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội thuộc lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ và các nhóm yếu thế làm chủ. Mỗi doanh nghiệp sẽ được huấn luyện chuyên biệt trong 6 tháng và vốn hạt giống 100 triệu đồng để xây dựng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.

Với gói hỗ trợ này, doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh sáng tạo và cam kết tạo tác động tích cực cho xã hội và môi trường là hai yếu tố trọng tâm trong chiến lược hoạt động của họ sau đại dịch. Cân bằng các mục tiêu xã hội, môi trường với mô hình thương mại cho phép họ giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững.