Ngành bán lẻ tìm cách thích ứng trong tình hình mới - Bài học từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh TP. Biên Hòa (Đồng Nai)

10/12/2021 | Mô hình ứng phó cho doanh nghiệp dịch vụ khác

Ngành bán lẻ tìm cách thích ứng trong tình hình mới - Bài học từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh TP. Biên Hòa (Đồng Nai)
Ngành bán lẻ, dịch vụ giữ vai trò quan trọng trong thị trường nội địa. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trongngành bán lẻ, dịch vụ đang đẩy mạnh nhiều phương án để từng bước ổn định thị trường, đảm bảo các kênh phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Ngành bán lẻ, dịch vụ của tỉnh Đồng Nai cũng đang nỗ lực đưa ra những kế hoạch để duy trì và phục hồi trong giai đoạn “bình thường mới”

Đảm bảo sức khỏe nhân viên là chìa khóa để phục hồi đối với các chuỗi siêu thị

Đại diện nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong tỉnh chia sẻ, hiện nguồn hàng thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng… được chủ động, đảm bảo nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong khi đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng liên tục cập nhật, triển khai các kênh bán hàng thay thế, điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa nhằm thay thế các chợ tạm đóng cửa, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Các kênh bán lẻ chủ động tuân thủ trong việc niêm yết giá, bán đúng giá, đủ số lượng…
  • Co.opmart Biên Hòa:

    • Chủ động các phương án phòng, chống dịch Covid-19

    • Duy trì nhân sự đảm bảo hoạt động, cung ứng hàng hóa. Các nhân viên đều được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và khoảng 70% đã được tiêm đủ 2 mũi.

    • Có kế hoạch quản lý sức khỏe, tình trạng tiêm chúng của nhân viên để đảm bảo mỗi nhân viên đều được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

  • BigC Đồng Nai:

    • Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, dồi dào

    • Nhân viên đều được tiêm ít nhất 1 mũi, chuẩn bị tiến hành tiêm mũi 2 trong những ngày tới

    • Đẩy mạnh việc đặt mua của khách hàng qua các kênh trực tuyến, giảm tiếp xúc gần

Nhờ nguồn lực luôn được đảm bảo, các siêu thị có thể chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân. Lượng khách đặt mua qua các kênh trực tuyến của các siêu thị cũng tăng khá mạnh trong suốt giai đoạn trong và sau đợt giãn cách xã hội, trung bình mỗi ngày siêu thị nhận khoảng 200 đơn hàng trực tuyến.

Kênh bán lẻ truyền thống đảm bảo duy trì cung ứng hàng hóa cho người dân

Các kênh bán lẻ truyền thống, các chợ đầu mối, chợ bán lẻ đang hoạt động, các điểm bán hàng thiết yếu… đang duy trì các phương án phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu với giá bình ổn để cung ứng cho người dân, nhất là người dân ở những khu vực phong tỏa.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (Huyện Thống Nhất):

  • Bố trí chốt kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa ra - vào chợ

  • Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

  • Đẩy mạnh sàng lọc xét nghiệm nhanh Sars-CoV-2 với tiểu thương, nhân viên tại chợ, lái xe, người vận chuyển ra vào chợ

  • Tiếp tục duy trì lượng hàng hóa tương đương với điều kiện bình thường, đảm bảo cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy

Xây dựng các phương án thích ứng nhanh phù hợp với tình hình

Cửa hàng Bách hóa Xanh TP Biên Hòa:

  • Chủ động các nguồn hàng cung ứng, duy trì hoạt động ổn định, đẩy mạnh tập trung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.

  • Triển khai các chương trình bình ổn giá

  • Niêm yết giá đầy đủ trên sản phẩm, hạn chế những thiếu sót về cập nhật giá

  • Triển khai các kênh bán hàng trưc tuyển: Zalo theo khu vực bán hàng để giúp người dân thuận tiện mua sắm, đặt hàng online

Có thể, ngành bán lẻ thường bán hàng trực tiếp, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã mở ra phương thức bán hàng đa kênh, đặc biệt là đẩy mạnh kênh bán hàng online. Điều này đã mở ra những cơ hội mới cho các cửa hàng vừa có thể đảm bảo sức khỏe, vừa có thể duy trì lợi nhuận trong suốt thời gian trong và sau giãn cách xã hội.

Chuyển đổi mặt hàng phù hợp với tình hình thực tế

Nhiều hộ kinh doanh, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ chủ động thích ứng trước những diễn biến dịch bệnh thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, chuyển đổi mặt hàng cung ứng để phù hợp với tình hình thực tế…

Một nhà hàng ở P. Thống Nhất (TP. Biên Hòa): Trong dịch, hoạt động kinh doanh của nhà hàng bị gián đoạn. Thay vào đó, nhà hàng chuyển hướng sang cung ứng mặt hàng thiết yếu trực tuyến, cụ thể:

  • Nguồn thủy, hải sản được cửa hàng nhập về từ các nguồn cung ổn định ở trong tỉnh và một số địa phương lân cận.

  • Kết nối với đội ngũ giao hàng (shipper) chuyên nghiệp để giao hàng đến nhiều khu vực ở TP.Biên Hòa.

  • Kết nối với các kênh phân phối, nhận đặt hàng ở các phường để duy trì lượng khách mua ổn định.

  • Có chiến lược bán hoặc tặng kèm các combo rau xanh đi kèm các mặt hàng thực phẩm để thu hút khách hàng