Những khó khăn do đại dịch
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), thời gian qua, do dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp đang phải hoạt động dưới công suất, thậm chí có doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thiếu nhân lực, di chuyển khó khăn giữa các khu vực, nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch... Đặc biệt, khi chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Ngành công nghiệp hỗ trợ lại đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất.
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT. Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT thành phố Hà Nội (HANSIBA), gần 90% số doanh nghiệp thuộc HANSIBA đã bị giảm doanh số; 50% số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sản xuất. Theo HANSIBA, ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta vẫn còn một số hạn chế như năng lực quản lý sản xuất thấp; tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; sản xuất kinh doanh còn manh mún, bị động; giá trị gia tăng tạo ra trong nước chưa ổn định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn kém.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Các địa phương cũng đã xây dựng phương án phục hồi sản xuất nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất dịp cuối năm. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp CNHT cũng đã đẩy nhanh các phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới.
Thách thức trong bối cảnh mới
Mặc dù sự phát triển của CNHT thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, song trong bối cảnh hội nhập và kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 đã và đang khiến tất cả các ngành kinh tế, trong đó ngành công nghiệp của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nghị quyết 115/NQ-CP đã đặt mục tiêu, năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, theo nhận định cho đến thời điểm hiện nay đây vẫn được coi là mục tiêu có nhiều thách thức với ngành CNHT trong nước.
Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực công thương của Chính phủ cho biết, năng lực tự cung ứng các sản phẩm CNHT trong nước còn nhiều bất cập; tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp. Điển hình như đối với ngành dệt may: Hiện tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40%-45%. Tương tự với ngành da giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68%-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40%-45%. Thậm chí, với ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nhiều, cụ thể lần lượt là 15% và 5%. Ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là SamSung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Mới chỉ có khoảng 35 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho SamSung. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn... với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của SamSung.
Bên cạnh đó, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng… Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của CNHT. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Theo tổng hợp, trong số doanh nghiệp cung cấp cho các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam, có 58,9% các doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI có trụ sở tại Việt Nam và chỉ khoảng 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam.
Một số giải pháp trong tình hình tới
Bên cạnh các chính sách giúp cho lĩnh vực CNHT được quan tâm thúc đấy, tăng cường liên kết thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải có những chiến lược phát triển để cải thiện tình hình.
Trong giai đoạn phục hồi, việc tìm kiếm những khách hàng tiềm năng mới bên cạnh những đối tác quen thuộc cần trở thành yếu tố trọng tâm. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các kênh khác nhau, đặc biệt là các kênh trực tuyến để liên kết, chào hàng và giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, một cơ chế pháp lý với các kênh trực tuyến này cũng cần được lưu tâm kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo đủ nguồn nhân lưc, việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho nhân viên, có những chính sách và môi trường làm việc an toàn, đảm bảo để người lao động an tâm làm việc, sẵn sàng cho các đơn hàng mới cũng cần được đẩy mạnh trong mỗi doanh nghiệp.
Với tình hình dịch và nhu cầu thị trường có sự thay đổi từng ngày, việc linh hoạt trong việc thay đổi mô hình, chuyển đổi các chiến lược ứng phó linh hoạt để phục hồi một cách nhanh chóng là chìa khóa cốt lõi. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực thiết bị cho doanh nghiệp. Việc tìm kiếm các khoản vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị, đầu tư dự án nhà máy mới khi cần thiết cũng nên được thực hiện, nhất là khi nhu cầu và tiêu chuẩn của khách hàng đang ngày một nâng cao.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh liên kết chuỗi ngang, dọc với các doanh nghiệp trong nước để có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cũng như duy trì, tránh để đứt gẫy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến doanh thu các doanh nghiệp.