Phục hồi ngành dệt may hậu COVID-19 | Bài học từ Dệt may Thành Công

14/02/2022 | Mô hình ứng phó cho doanh nghiệp sản xuất

Phục hồi ngành dệt may hậu COVID-19 | Bài học từ Dệt may Thành Công
Phần lớn nguyên phụ liệu ngành Dệt May nhập khẩu từ nước ngoài nên khi dịch bệnh bùng phát, chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong đáp ứng đơn hàng. Thêm vào đó, 2 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và EU hạn chế nhập khẩu để đối phó với dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, nhà máy bị phong tỏa, công nhân bị cách ly,… là những khó khăn mà ngành Dệt May Việt Nam phải đối mặt.

1. Bối cảnh

Tháng 8/2021, công ty cổ phần Dệt may Thành Công ghi nhận báo lỗ âm 6,4 tỷ đồng do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Nguồn áp lực tài chính lớn nhất đến từ 2 yếu tố: doanh thu giảm sút do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và áp lực tài chính để đáp ứng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” cho công nhân trong giai đoạn giãn cách xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 7/2021 đến 9/2021. Trong nửa đầu năm 2021, Thành Công không có đơn đặt hàng khẩu trang hay đồ bảo hộ dùng trong lĩnh vực y tế. Đà suy giảm lợi nhuận chưa thể ngừng lại khi diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, quy định giãn cách được siết chặt hơn, với mức lỗ tháng 9 gấp 2,1 lần so với tháng 8/2021.

2. Cách làm của doanh nghiệp

Quan tâm đến người lao động

  • Hạn chế cắt giảm lao động và tăng cường tiêm vaccine cho công nhân: Ảnh hưởng của Covid-19 khiến các doanh nghiệp dệt may phải cắt giảm lao động hoặc cắt giảm giờ làm. Điều này tạm thời sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí lao động. Song về lâu dài, việc này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng và đào tạo, khi hoạt động sản xuất dần quay trở lại với nhịp độ bình thường, thậm chí cao hơn bình thường để đáp ứng kịp thời các đơn hàng bị gián đoạn. Thay vào đó, Dệt may Thành Công đã hạn chế cắt giảm lao động nhất có thể, đồng thời, đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho công nhân nhằm giữ vững nguồn nhân lực, đảm bảo quá trình lao động và sản xuất được an toàn, có năng suất và hiệu quả.
  • Đảm bảo điều kiện cho công nhân làm việc tại chỗ: Dệt may Thành Công đã bố trí chỗ ăn ở, làm việc đủ điều kiện tại nhà máy cho 2.200/4.500 lao động trong giai đoạn giãn cách xã hội tháng 7/2021 để đảm bảo sự an toàn và tránh việc đứt gãy sản xuất.

Chuyển đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu

  • Đứng trước những đợt giãn cách xã hội và sự sụt giảm nhu cầu thời trang của khách hàng, doanh nghiệp Dệt may Thành Công đã có bước chuyển đổi sản phẩm sang đồ bảo hộ và khẩu trang y tế để đáp ứng được nhu cầu nội địa với trang phục y tế cũng như xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, phương pháp chuyển đổi hiệu quả này đã giúp doanh nghiệp tạo được lợi nhuận và bù lỗ trong khoảng thời gian giãn cách xã hội.

Chủ động nguồn cung vật liệu

  • Dệt may Thành Công là một trong số ít doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín, trong đó bao gồm khâu nguyên phụ liệu. Doanh nghiệp sở hữu chuỗi cung ứng hoàn thiện từ sợi, dệt, nhuộm, may và phân phối. Nhờ vào tự chủ nguồn cung vải, khi chuỗi cung ứng nhập khẩu vải bị đứt gãy thì doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều trong việc đáp ứng nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.
  • Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nguồn vốn và điều kiện để tự chủ về nguyên vật liệu, doanh nghiệp có thể dựa vào liên kết ngành để tìm kiếm và hỗ trợ nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho nhau.

Đầu tư các trang thiết bị, mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại

  • Nhờ vào việc tiếp cận nguồn vốn của tập đoàn E-Land, doanh nghiệp đã được thúc đẩy để thành lập bộ phận R&D bằng cách lập văn phòng đại diện của viện Nghiên cứu Dệt may Hàn Quốc (KOTITI Global) ngay trong nhà máy Thành Công tại TP.HCM. Họ ứng dụng các công cụ quản lý tiên tiến như mô hình sản xuất tinh gọn (Lean), hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), áp dụng thẻ điểm cân bằng trong quản lý doanh nghiệp…
  • Ngoài ra, doanh nghiệp còn có hệ thống dữ liệu kết nối tất cả các nhà máy sợi, đan, dệt, nhuộm, may tạo thành kho dữ liệu. Sau đó có bộ phận phân tích dữ liệu (BI) đưa ra các báo cáo vận hành theo thời gian thực, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định kịp thời.

Đáp ứng yêu cầu “xanh hoá” sản phẩm

  • Trong bối cảnh nhiều nhãn hàng có cam kết về tỷ lệ sợi tái chế, nguồn gốc bông, các doanh nghiệp dệt may cần chú ý đến vấn đề “xanh hóa” sản phẩm để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
  • Đối với Dệt may Thành Công, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng những nguyên liệu tái chế, nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ bền vững, giảm tác hại đến môi trường...
  • Công ty đang sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời tại Nhà máy May Thành Công Vĩnh Long 1 và tiếp tục chuẩn bị lắp đặt hệ thống này tại Nhà máy May Thành Công Vĩnh Long 2.

3. Kết quả đạt được

Trong giai đoạn cuối năm 2019 đến hết năm 2021 vừa qua, Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công được đánh giá là một trong số ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể nhanh chóng lấy lại vị thế kinh doanh hậu COVID-19.

Nhờ mô hình chuỗi cung ứng khép kín đã tạo động lực cho các nhãn hàng trong và ngoài nước đặt hàng ở Công ty cổ phần Dệt may Thành Công. Doanh nghiệp đã ghi nhận những đơn hàng từ các nhãn hàng nổi tiếng như: phân khúc thời trang trẻ em của Adidas, cung cấp vải cho Lacoste và Tommy Hilfiger, các đơn hàng hoàn chỉnh từ Timberland và New Balance.

Lợi nhuận sau thuế tháng 12/2021 của Thành Công đạt 644.909 USD, tương đương xấp xỉ 14,7 tỷ đồng, tăng 351% so với tháng liền kề trước đó.