Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch hậu đại dịch Covid-19 và cơ hội phục hồi

12/01/2022 | Kế hoạch phục hồi

Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch hậu đại dịch Covid-19 và cơ hội phục hồi
Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến gần 90% doanh nghiệp lữ hành phải dừng hoạt động hoặc đổi mới mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự của mình. Những người lao động làm việc trong lĩnh vực này đã lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc chuyển sang công việc khác. Điều này đã dẫn đến nguy cơ thiếu nhân lực du lịch trong giai đoạn phục hồi - khi nhu các gói kích cầu du lịch đang được tập trung triển khai, thu hút du khách quay trở lại.
Khủng hoảng nguồn nhân lực
Đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90-95% dừng hoạt động; chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự. Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm trên 35% tổng số đã được cấp, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động.
Lưu trú du lịch là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2021, hầu như các khách sạn không có khách, trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Công suất phòng trung bình cả năm ước tính chỉ đạt 5%. Có tới 80% lao động tại các cơ sở lưu trú phải nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành du lịch khôi phục lại.
Tương lai của người lao động trong ngành du lịch cũng rơi vào tình trạng khó khăn khi số khách du lịch trong năm 2021 đều giảm đáng kể so với cùng kì. Nhiều lao động đã thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chật vật chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.
Nhiều công ty du lịch lo ngại, với tình trạng dịch chuyển lao động ra ngoài ngành như hiện nay, sau khi khống chế được dịch bệnh, ngành Du lịch sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực. Và nếu tìm được công việc ổn định, thu nhập tốt, có lẽ khi quay lại trạng thái bình thường, việc thu hút lao động trong ngành trở lại sẽ rất khó khăn.
Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp, mà còn tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. Đại dịch COVID-19 đã khiến các cơ sở đào tạo phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến với cơ sở vật chất, trang thiết bị không đồng bộ, trình độ sử dụng công nghệ thông tin khác nhau; đồng thời, thiếu cơ sở thực hành, thiếu điều kiện học tập từ thực tiễn đã làm giảm chất lượng đào tạo.
Không chỉ vậy, công tác tuyển sinh ngành Du lịch của các cơ sở đào tạo cũng bị giảm đi đáng kể, số lượng sinh viên, học viên tốt nghiệp các khóa đào tạo du lịch trong hai năm gần đây đều gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Điều này cũng có nghĩa trong vài năm tới, số lượng lao động bổ sung mới cho ngành du lịch sẽ bị thiếu hụt.
Giải quyết bài toán nhân lực ngành du lịch giai đoạn phục hồi
Để có thể nhanh chóng khôi phục lực lượng lao động phục vụ một lượng lớn du khách trong giai đoạn phục hồi, ngay trong giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp có thể cố gắng giữ lại những nhân sự cốt cán, chủ chốt, với các chính sách đãi ngộ mới, đúng trọng tâm để đảm bảo nguồn nhân lực này có thể sẵn sàng đi làm trở lại ngay khi doanh nghiệp phục hồi.
Việc đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn phục hồi bằng các chương trình đào tạo miễn phí trực tuyến cũng là một cách thức phù hợp với tình hình hiện nay. Doanh nghiệp không thể duy trì nhân lực đầy đủ như trước vì liên quan nhiều đến yếu tố tiền lương, chi phí hoạt động. Trong giai đoạn này, công ty cũng ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ nhân lực, chờ khi du lịch bước vào giai đoạn phục hồi.
Bên cạnh đó,, dịch COVID-19 đang khiến thói quen du lịch thay đổi, xuất hiện những xu hướng du lịch mới, trong đó việc bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, khi xây dựng kịch bản phục hồi, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng đang tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sự thay đổi này. Các phương án phù hợp ở đây cần bao gồm các kỹ năng tiếp cận, quảng bá, xây dựng sản phẩm và xử lý tình huống phát sinh khi có ca nghi nhiễm. Vấn đề an toàn trong việc tổ chức tour trong giai đoạn này được đặt lên hàng đầu.
Du lịch giai đoạn này sẽ phục hồi từ từ theo hình thức chung sống với đại dich và cần có những tiêu chuẩn rõ ràng. Vì thế, ngay cả người lao động nòng cốt hay người lao động mới, việc đào tạo các nghiệp vụ về tính an toàn khi tổ chức tour như các hoạt động khai báo y tế, đón, nhận khách đúng quy trình… cũng như cho người lao động những kĩ năng “thực chiến” để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Đối với nguồn lao động, các doanh nghiệp có thể liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm nguồn nhân lực có trình độ ngay ở trong nhà trường để lao động có thể sẵn sàng với công việc ngay sau khi ra trường. Trong thời gian dài hạn, cũng cần chú trọng vào đầu tư hướng đến nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Có thể thấy, trong giai đoạn phục hồi này, ngành du lịch không chỉ chú trọng vào kích cầu, khai thác các tour du lịch mới đảm bảo an toàn mà các biện pháp duy trì số lượng nhân viên để đào tạo, sẵn sàng đón “guồng” phục hồi trong giai đoạn bình thường mới.