Thương mại điện tử phát triển hậu COVID-19 | Doanh nghiệp cần làm gì?

21/02/2022 | Kế hoạch phục hồi

Thương mại điện tử phát triển hậu COVID-19 | Doanh nghiệp cần làm gì?
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), "Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet".

Đại dịch COVID-19 đã và đang thúc đẩy lĩnh vực Thương mại điện tử thuộc nền kinh tế số phát triển vượt bậc trong những năm gần đây tại Việt Nam. Trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020 và tháng 7 đến tháng 9 năm 2021, các kênh mua sắm trong thương mại điện tử trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ.

Tiềm năng của thương mại điện tử trong nước:

  • Theo Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.
  • Năm 2021 thị trường Thương mại điện tử Việt nam đang chuyển mình có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ. Rất nhiều website thương mại điện tử được ra đời. Các quỹ đầu tư và tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web thương mại điện tử trong nước.
  • Tại Việt Nam, Shopee đứng đầu chiếm 36% toàn thị trường thương mại điện tử bán lẻ, tiếp đến là Lazada (28%) và Tiki (11%).
  • Từ những nhu cầu thực tiễn của người tiêu dùng, có thể thấy rằng mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến là nội dung quan trọng nằm trong kịch bản phục hồi doanh nghiệp hậu Covid-19.

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội tiềm năng mà thương mại điện tử mang lại để phục hồi hậu COVID-19:

  • Chú trọng việc tạo và duy trì website của doanh nghiệp, qua đó có thể sử dụng website để giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của mình, tạo kênh mua bán trực tiếp trên website của doanh nghiệp.
  • Đẩy các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của mình lên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng với lượng người tiêu dùng khổng lồ như: Shopee, Lazada, Tiki,...
  • Đưa ra các chiến lược quảng cáo hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trên thương mại điện tử.
  • Ngoài việc đẩy mạnh mua bán trên các sàn thương mại điện tử, các website thương mại điện tử; doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ của mình, việc đăng ký tên miền, đưa ra các chiến dịch quảng cáo phù hợp, tránh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thương mại điện tử.

Thương mại điện tử xuyên biên giới:

  • Doanh nghiệp Việt Nam có thể kết hợp với các đối tác thương mại điện tử toàn cầu như Alibaba, Amazon, Flipkart,... để mở rộng thị trường của mình, đưa các sản phẩm, hàng hóa của mình đến với người tiêu dùng trên toàn cầu.
  • Với hình thức hợp tác này, doanh nghiệp cũng cần đặc biệt chú ý đến vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp; các vấn đề liên quan đến thuế với hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử,...

Một số giải pháp dành cho doanh nghiệp trong thương mại điện tử:

  • Doanh nghiệp cần chú ý đến các quy định về thuế với các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ trong thương mại điện tử; hạn chế việc không nộp thuế để tránh thất thoát thuế của nhà nước.
  • Doanh nghiệp cần sử dụng tên miền hợp pháp, cung cấp thông tin, địa chỉ, điện thoại và thông tin liên lạc chính xác để nếu có tranh chấp xảy ra, nhà nước có thể xác định được chủ thể của các bên tranh chấp một cách dễ dàng hơn.
  • Doanh nghiệp cần kết hợp các biện pháp công nghệ; sử dụng ứng dụng công nghệ để check mã vạch, truy xuất nguồn gốc hàng hoá để người dùng an tâm hơn khi mua hàng online.
  • Doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao lòng tin của khách hàng trong thương mại điện tử.
  • Doanh nghiệp kết hợp với các tổ chức ngân hàng đưa ra các biện pháp nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hệ thống thanh toán điện tử, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.