Gửi ý kiến theo hộp dưới đây hoặc liên hệ với chúng tôi

Chi tiết câu hỏi:

Gia đình tôi mắc COVID-19 vào tháng 2/2022. Vợ chồng tôi đều là lao động tự do, con trai còn đi học cấp 1. Xin hỏi, gia đình tôi có được hưởng trợ cấp do COVID-19 không? Nếu được thì cần làm những thủ tục gì?

Trả lời:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó:

Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND TP. Hà Nội quy định hỗ trợ đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do)…

Quyết định số 5073/QĐ-UBND ngày 2/12/2021 của UBND TP. Hà Nội sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hà Nội.

Đối với người bị mắc COVID-19 từ năm 2022 hiện chưa có chính sách hỗ trợ, do đó trường hợp của gia đình bà Phí Thị Hoàng Yến không có chế độ trợ cấp.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Chi tiết câu hỏi:

Anh trai của ông Bùi Văn Phương (Tiền Giang) mắc COVID-19 (F0). Sau khi hoàn thành cách ly, ngày 2/3/2022, anh trai ông đến cơ quan có thẩm quyền nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhưng được thông báo đã hết hạn nhận hồ sơ. Ông Phương hỏi, trả lời của cơ quan chức năng có đúng không?

Trả lời:

Về vấn đề này, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang trả lời như sau:

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 5, Điều 27 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ: "Đối với trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở hoặc cách ly tại nhà: Cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em, các trường hợp F0, F1 gửi hồ sơ quy định tại Khoản 3, 4 Điều này tới UBND cấp xã nơi cư trú. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022".

Để người dân được biết điều kiện được hỗ trợ, hồ sơ, trình tự thủ tục, nơi tiếp nhận hồ sơ và thời gian kết thúc gói hỗ trợ và đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định, Đài Truyền thanh - Truyền hình TP. Mỹ Tho, UBND Phường 2 thông báo thường xuyên trên hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình Thành phố và phường, xã thông báo thời gian nhận hồ sơ hỗ trợ cho các đối tượng F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở hoặc cách ly tại nhà chậm nhất đến ngày 15/1/2021.

Vào ngày 15/2/2022, theo nội dung Công văn số 696/SYT-HTC ngày 13/2/2022 của Sở Y tế về việc nhắc gửi hồ sơ thanh toán kinh phí hỗ trợ đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người đang điều trị COVID-19 và cách ly y tế, Trạm Y tế Phường 2 tiếp tục gia hạn thời gian nhận hồ sơ "từ ngày ra thông báo đến ngày 28/2/2022. Sau thời gian nêu trên, Trạm Y tế sẽ không tiếp nhận hồ sơ, chờ thông báo mới".

Việc tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ đối với trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở đã kết thúc vào ngày 15/1/2022 và gia hạn đến hết ngày 28/2/2022, tuy nhiên ngày 2/3/2022 người thân của ông Bùi Văn Phương đến nộp hồ sơ đã quá thời hạn nêu trên nên Trạm Y tế Phường 2 không tiếp nhận giải quyết hồ sơ.

Theo Báo Chính phủ.

Chi tiết câu hỏi:

1. Bà Mai Thu Sang (Lâm Đồng): Trong năm 2021, thu nhập của ông A tại đơn vị được tính thuế luỹ tiến (viên chức), tuy nhiên ông A có thu nhập từ việc làm đề tài nghiên cứu của Sở, do đơn vị chi hộ và đã được khấu trừ thuế 10% tại nguồn, đơn vị đã kê khai thuế cho phần thu nhập này.

Vậy, khi lên tờ khai quyết toán, thu nhập từ đề tài nghiên cứu của ông A được đưa vào bảng nào trên tờ khai quyết toán thuế TNCN?

2. Ông Lâm Thanh (Thanh Hóa): Trường hợp người lao động có thu nhập chịu thuế từ 2 tổ chức là các công ty con trong cùng tập đoàn. Trong đó, người lao động ký hợp đồng lao động với tổ chức A và thu nhập tại tổ chức này là thu nhập tính thuế lũy tiến, người lao động ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức B và thu nhập tại đơn vị này là thu nhập khấu trừ thuế vãng lai (10%). Như vậy người lao động này có đủ điều kiện để ủy quyền cho tổ chức A quyết toán thuế hay không?

3. Bà Trịnh Hồng Thắm (Hà Nội): Cá nhân có thu nhập hai nơi, một nơi ký hợp đồng lao động chính thức khấu trừ theo biểu thuế luỹ tiến từng phần, nơi thứ 2 đã khấu trừ 10% trên thu nhập. Vậy cá nhân này có thuộc diện tự quyết toán thuế TNCN hay không?

4. Ông Trần Mạnh Hùng (TPHCM): Tôi đang công tác tại chi nhánh của 1 ngân hàng TMCP. Trong năm 2021, tôi chỉ phát sinh thu nhập tiền lương tiền công tại chi nhánh. Đồng thời trong năm 2021, tôi có được tặng 1 huy hiệu bằng vàng từ Trụ sở chính ngân hàng, tiền huy hiệu đó chưa khấu trừ thuế. Kế toán giải thích, trong trường hợp này tôi phải tự quyết toán thuế TNCN. Xin hỏi, chi nhánh có được quyết toán thuế luôn phần thu nhập và thuế mà trụ sở chính đã tạm trích hay không?

Trong trường hợp tôi đã ủy quyền quyết toán thuế, số thuế phải nộp thêm tôi đã nộp đủ (tính cả phần thu nhập phát sinh thêm từ trụ sở chính), nếu thuế kiểm tra thấy tôi phải tự đi quyết toán, thì khi đi nộp tờ khai lại tôi có bị phạt gì không?

Trả lời:

1. Tổng cục Thuế trả lời: Căn cứ Tiết d.3 Điểm d Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

2. Tổng cục Thuế trả lời: Theo quy định tại Tiết d.2 Điểm d Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Theo đó, trường hợp người lao động có thu nhập từ hai nơi trở lên mà thu nhập vãng lai ở nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% thì có thể ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức A.

3. Tổng cục Thuế trả lời: Theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên mà không đáp ứng điều kiện được ủy quyền quyết toán theo quy định thì phải trực tiếp khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Đối với trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Theo đó, nếu thu nhập vãng lai ở nơi thứ 2 của bà bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% mà bà không có yêu cầu thì bà có thể ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập mà bà ký hợp đồng lao động chính thức và không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập tại nơi thứ 2 được khấu trừ theo tỷ lệ 10%.

4. Tổng cục Thuế trả lời: Theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên mà không đáp ứng điều kiện được ủy quyền quyết toán theo quy định thì phải trực tiếp khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Đối với trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Theo đó, nếu phần thu nhập chịu thuế nhận được từ trụ sở chính của ông bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% mà ông không có yêu cầu thì ông có thể ủy quyền quyết toán cho chi nhánh và không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập từ trụ sở chính được khấu trừ theo tỷ lệ 10%.

Trường hợp thu nhập chịu thuế nhận được từ trụ sở chính của ông bình quân tháng trong năm trên 10 triệu đồng, ông thuộc diện phải trực tiếp quyết toán thuế TNCN. Trường hợp trụ sở chính chưa thực hiện khấu trừ thuế 10% thì ông không thuộc diện được ủy quyền quyết toán thuế cho chi nhánh.

Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: "Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN" để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Theo Báo Chính phủ.

Chi tiết câu hỏi:

Tháng 12/2021, gia đình ông Huỳnh Đức Tài (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) có 4 người mắc COVID-19 (F0), 2 người thuộc diện tiếp xúc gần (F1), có quyết định cách ly và hết thời gian cách ly do UBND xã ký.

Gia đình ông Tài đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại bộ phận một cửa của UBND xã, sau đó vài ngày đã bổ sung hồ sơ theo hướng dẫn của cán bộ xã. Sau một khoảng thời gian, UBND xã thông báo nhận tiền nhưng gia đình ông chỉ có 2 người được nhận là bà Nhan Thị Chịa và bà Sơn Thị Kim Cương, những người còn lại, cán bộ xã cho biết hồ sơ không đủ và yêu cầu bổ sung.

Ông Tài muốn được biết lý do gia đình ông không được nhận đủ hỗ trợ cho 6 người như hồ sơ đã nộp.

Trả lời:

Về vấn đề này, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh trả lời như sau:

Theo báo cáo của UBND xã Đa Lộc, ngày 19/12/2021, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xã có Quyết định số 823/QĐ-BCĐ về việc áp dụng biện pháp cách ly, điều trị theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 gồm 4 người (bà Huỳnh Thị Dõi, ông Huỳnh Đức, bà Sơn Thị Kim Cương, bà Nhan Thị Chịa); Quyết định số 819/QĐ-BCĐ về việc áp dụng biện pháp cách ly, điều trị theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 gồm 2 người (ông Huỳnh Đức Tài, ông Huỳnh Đức Mạnh).

Khi tiếp nhận hồ sơ thì UBND xã Đa Lộc chỉ nhận đủ hồ sơ của 2 người (bà Sơn Thị Kim Cương và bà Nhan Thị Chịa); 4 người chưa nộp đầy đủ hồ sơ (bà Huỳnh Thị Dõi và ông Huỳnh Đức, ông Huỳnh Đức Tài, ông Huỳnh Đức Mạnh).

Ngay sau đó, UBND xã Đa Lộc có liên hệ và yêu cầu bổ sung hồ sơ, nhưng khi ông Huỳnh Đức Tài bổ sung đủ hồ sơ thì đã quá thời gian trình phê duyệt theo quy định. Sau đó, UBND xã Đa Lộc mời ông Huỳnh Đức Tài lên trao đổi, ông Huỳnh Đức Tài thống nhất với UBND xã và không có khiếu nại về sau.

Về thực hiện cấp phát kinh phí hỗ trợ: UBND xã Đa Lộc chỉ đạo bộ phận chuyên môn không cho nhận thay, nếu có nhận thay thì phải có giấy ủy quyền.

Đến thời điểm cấp kinh phí thì bà Nhan Thị Chịa đã qua đời nên kinh phí hỗ trợ chưa cấp phát. Riêng trường hợp bà Sơn Thị Kim Cương đã nhận kinh phí hỗ trợ.

Theo Báo Chính phủ.

Chi tiết câu hỏi:

Ông Kim Vô làm công nhân tại Khu Công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Ông và nhiều công nhân khác vẫn chưa nhận được hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông Vô hỏi, ông phải làm gì để được giải quyết hỗ trợ?

Trả lời:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, người lao động làm việc tại doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (theo Điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động) hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương (theo Khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động) trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

Để người lao động được hưởng chính sách này, người sử dụng lao động phải làm hồ sơ theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg gồm:

- Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

- Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

- Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Quyết định này.

Như vậy, để hưởng chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì người lao động không thể tự làm hồ sơ đăng ký mà phải do người sử dụng lao động lập hồ sơ đề nghị. Đề nghị ông liên hệ với công ty đang làm việc để yêu cầu công ty lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Chi tiết câu hỏi:

Bà Đặng Thị Tuyết Nhung (Bến Tre) buôn bán nước chai ướp lạnh ở ven đường, mỗi tháng thu nhập 2 triệu đồng. Do ảnh hưởng dịch, bà mất thu nhập. Bà đã làm đơn xin hỗ trợ nhưng được báo không đủ điều kiện. Bà đề nghị chính quyền địa phương xem xét giúp đỡ.

Trả lời:

Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre trả lời như sau:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND thị trấn Ba Tri rà soát về trường hợp của bà Nhung. Được biết, công việc của bà Nhung là bán tập vở, viết, khăn ướt… ngay tại nhà, ngoài ra còn có 1 tủ mát và 1 thùng nước ướp lạnh để trước cửa nhà để bán cho khách đi đường.

Theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh Bến Tre về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh thì công việc của bà Nhung “buôn bán nhỏ lẻ có địa điểm cố định” nên không thuộc nhóm công việc, lĩnh vực được hỗ trợ. Khi nào có chính sách mới, địa phương sẽ thông báo rộng rãi cho người dân biết để kê khai theo quy định.

Chi tiết câu hỏi:

Hợp tác xã do ông Lê Việt Cường (Hà Nội) sáng lập để tạo việc làm cho người khuyết tật. Hợp tác xã có 22 lao động, trong đó có 8 người khuyết tật thành nghề và có việc làm, thu nhập ổn định, đóng BHXH; 14 người đang học nghề và được hỗ trợ tiền học nghề.

Do đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hợp tác xã tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/5/2021 và người lao động cũng bị dừng đóng BHXH đến nay.

Ông Cường đã làm hồ sơ xin trợ cấp cho 8 lao động đang đóng BHXH theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, nhưng cơ quan chức năng trả lời không được vì hợp tác xã tạm ngưng từ tháng 5/2021 do khó khăn, không phải do cơ quan chức năng yêu cầu. Đối tượng được hưởng chính là đối tượng bị ảnh hưởng do giãn cách theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội tính từ ngày 24/7/2021. Ông Cường hỏi, như vậy có đúng không?

Trả lời:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất không bảo đảm phương án sản xuất an toàn về phòng chống dịch phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn Thành phố để phòng chống dịch COVID-19 được xem xét thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tự dừng hoạt động (không phải theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không nằm trong khu vực bị cách ly y tế) dẫn đến người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định hiện nay thì không thuộc đối tượng xem xét giải quyết hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Để biết thêm thông tin chi tiết ông có thể liên hệ với UBND quận, huyện, thị xã nơi cư trú hoặc gọi tới Tổng đài điện thoại 1022 - bấm phím số 5 hoặc số 6 (chọn nhánh 5 hoặc 6) để được giải đáp, hướng dẫn.

Chi tiết câu hỏi:

Tôi được biết hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ được miễn thuế phải nộp trong quý III, quý IV năm 2021. Xin hỏi, căn cứ vào đâu để xác định được số thuế được miễn?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 quy định về căn cứ xác định số thuế được miễn như sau:

3. Căn cứ xác định số thuế được miễn

a) Đối với trường hợp cơ quan thuế phải ra Thông báo nộp tiền: cơ quan thuế căn cứ số thuế phải nộp của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021 trên Thông báo nộp tiền để xác định số thuế được miễn của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

b) Đối với trường hợp cơ quan thuế không phải ra Thông báo nộp tiền: người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức, cá nhân khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ) căn cứ số thuế phải nộp theo Tờ khai thuế để xác định số thuế được miễn của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021.

Trường hợp thuộc diện khai thuế theo kỳ thanh toán hoặc khai thuế theo năm (cho thuê tài sản, xây dựng nhà tư nhân, khai từng lần phát sinh khác) thì số thuế được miễn là số thuế phải nộp tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021.

Trường hợp trên hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021 thì xác định theo doanh thu bình quân tháng theo giá trị hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ký trong tháng thì thời gian của hợp đồng được tính đủ tháng.

Như vậy, căn cứ xác định số thuế được miễn được thực hiện theo quy định trích dẫn nêu trên.

Chi tiết câu hỏi:

Bà Nguyễn Thị Thao (Phú Yên) kinh doanh ăn uống, nhưng phải nghỉ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Bà được biết có chế độ trợ cấp cho hộ kinh doanh, nhưng bà bị mất giấy đăng ký kinh doanh, chỉ có mã số thuế. Vậy bà có được hưởng trợ cấp không?

Trả lời:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên trả lời vấn đề này như sau:

Bà Nguyễn Thị Thao là hộ kinh doanh ăn uống nhưng vì dịch bệnh COVID-19 phải tạm dừng hoạt động kinh doanh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là thuộc đối tượng hỗ trợ hộ kinh doanh quy định tại Điều 35 Chương IX Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Bà Thao phản ánh bị mất giấy tờ đăng ký kinh doanh, chỉ có mã số thuế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời và hướng dẫn bà Thao như sau:

Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện: - Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

- Trong 3 ngày làm việc, UBND cấp xã xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh; niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi Chi cục Thuế.

- Trong 2 ngày làm việc, Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, gửi UBND cấp huyện tổng hợp.

- Trong 2 ngày làm việc, UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp, trình UBND cấp tỉnh.

- Trong 2 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hộ gia đình mất giấy tờ đăng ký kinh doanh, cơ quan nào cấp đăng ký kinh doanh thì hộ gia đình đến cơ quan đã cấp để được hướng dẫn và giải quyết.

Chi tiết câu hỏi:

Quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 116/2021/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 28/2021/QĐ-TTg) về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có phát sinh vướng mắc.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xin báo cáo như sau:

Tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg quy định một trong các điều kiện để xác định đối tượng được hỗ trợ là: “Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội)”.

Khi xác định đối tượng được hỗ trợ, đối chiếu với quy định tại Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan BHXH chưa có căn cứ rõ ràng để áp dụng đối với:

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định số 28/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam kính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm nghiên cứu, hướng dẫn nhóm đối tượng có thời gian tham gia BHTN, thực chất là được bảo lưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 (thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam) đến 30/9/2021 nhưng không có trong danh sách đóng BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 để BHXH Việt Nam có cơ sở thực hiện.

- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH.

- Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật.

- Người lao động nghỉ việc không hưởng lương.

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc trái pháp luật (tự ý bỏ việc).

Tại thời điểm 30/9/2021, những trường hợp nêu trên không đóng BHTN, nhưng cũng chưa phải đã ra khỏi “danh sách tham gia BHTN” của đơn vị sử dụng lao động và thực chất là có thời gian tham gia BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, tương đồng với đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.

Do trong hồ sơ của các cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền chưa đề cập rõ các tình huống bảo lưu thời gian đóng BHTN cụ thể ở trên. Vì vậy, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa quy định chi tiết về nội dung này.

Trước mắt, BHXH Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chi trả tiền hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất đối với những đối tượng đã có quy định cụ thể; đồng thời chưa tiếp nhận hồ sơ của nhóm đối tượng này đến khi có hướng dẫn.

Xin trân trọng cám ơn./.

Trả lời:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động được xác định là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện giao kết một trong các loại hợp đồng sau: hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì đối tượng được hỗ trợ là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (có tên trong danh sách đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội). Mặt khác, nội dung này đã được nêu trong Báo cáo thẩm định số 139/BCTĐ-BTP ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tư pháp về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình tại Báo cáo số 138/BC-LĐXHXH ngày 30 tháng 9 năm 2021 kèm theo Tờ trình số 84/TTr-LĐTBXH ngày 30 tháng 9 năm 2021 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.

Như vậy, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã giao kết với người sử dụng lao động. Tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 người lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội nên vẫn được coi là đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp (bao gồm cả các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, việc hưởng chế độ thai sản,... trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021 cũng như trước ngày 01 tháng 01 năm 2020).

Tải xuống câu trả lời

Các khảo sát khác

Khảo sát thông tin về các vấn đề thuế - hải quan chuẩn bị Hội nghị Đối thoại Thuế - Hải quan 2021

Kết thúc: 15/11/2021

Câu hỏi: 0

Kết quả khảo sát