Gửi ý kiến theo hộp dưới đây hoặc liên hệ với chúng tôi

Chi tiết câu hỏi:

Công ty TNHH Khu Công nghiệp Thăng Long có văn bản số 13/2021/CV-Admin-TLIP ngày 07 tháng 9 năm 2021 gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh những khó khăn trong hoạt động sản xuất của các nhà máy Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Thăng Long.

Trả lời:

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gặp gỡ, trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Thăng Long để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Tải xuống câu trả lời

Chi tiết câu hỏi:

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 8-21/PMC-KTTC ngày 25/08/2021 của Công ty TNHH Y tế PMC đề nghị hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để điều trị bệnh Covid-19.

Trả lời:

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về thuế nhập khẩu
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018):
“3. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được sử dụng để:…a) Xây dựng các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”
Căn cứ khoản 3 Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018):
“3. Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa”
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016:
“3. Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất thông thường…
a) Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng Điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
b) Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng Điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
c) Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật này để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường.”
Đối chiếu với các quy định trên, Công ty cần xác định đúng mã số phân loại và Biểu thuế tương ứng áp dụng cho mặt hàng để xác định mức thuế suất của hàng hóa.
2. Về thuế giá trị gia tăng
Căn cứ Thông tư số 43/2021/TT-BTC ngày 11/6/2021 của Bộ Tài chính (hiệu lực từ ngày 01/8/2021) sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính) quy định về mức thuế suất thuế GTGT 5% như sau:
“Thiết bị y tế có Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Bông, băng, gạc y tế và bông vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiêm, diệt khuẩn dùng trong y tế”
Trường hợp mặt hàng nhập khẩu của công ty được xác định là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thì thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%.
Tải xuống câu trả lời

Chi tiết câu hỏi:

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 7420/BYT-KH-TC ngày 7/9/2021 của Bộ Y Tế xin miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT lô hàng 20 triệu liều vắc xin Vero Cell của Công ty cổ phần bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nhập khẩu tài trợ cho Bộ Y tế để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Trả lời:

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về chính sách thuế nhập khẩu, thuế GTGT đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mua từ nước ngoài, nhập khẩu về để tài trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19
Ngày 11/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng chống dịch Covid-19, theo đó đã quy định hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.
Cơ quan hải quan căn cứ văn bản phê duyệt của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, thực hiện thủ tục không thu thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 19 Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng, khoản 9 Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Về việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa
Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3794/TCHQ-GSQL ngày 29/7/2021 chỉ đạo Cục Hải quan TP. Hà Nội, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan ngay trong ngày các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, văc-xin, sinh phẩm xét nghiệm,... để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Căn cứ các văn bản và hướng dẫn nêu trên, đề nghị Bộ Y tế thông báo cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên hệ với Cục Hải quan TP. Hà Nội hoặc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hoặc cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng tài trợ nêu trên để được hướng dẫn thực hiện chính sách thuế theo Nghị Quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 của Chính phủ và thực hiện thủ tục hải quan theo công văn số 3794/TCHQ-GSQL ngày 29/7/2021 của Tổng cục Hải quan.
Tải xuống câu trả lời

Chi tiết câu hỏi:

Văn phòng Chính phủ nhận được công văn số 189/2021/CV-THACO ngày 27 tháng 08 năm 2021 của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) kiến nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trả lời:

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến như sau:
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xử lý đề xuất nêu trên của THACO trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 04 năm 2021 về Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn lại tại kỳ họp thứ 11, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09 tháng 09 năm 2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 5586/VPCP-KTTH ngày 13 tháng 08 năm 2021 và số 2466/VPCP-KTTH ngày 31 tháng 08 năm 2021 về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tải xuống câu trả lời

Chi tiết câu hỏi:

Do tình hình dịch Covid, trong năm 2020 công ty tôi ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài có cam kết trong hợp đồng là chi trả chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị (nếu có) khi vào Việt Nam làm việc. Xin hỏi, chi phí cách ly có được tính vào chi phí được trừ của công ty không?

Trả lời:

Tổng cục Thuế trả lời vấn đề này như sau:

Tổng cục Thuế đã có Công văn số 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020 hướng dẫn về chính sách thuế đối với chi phí cách ly phòng chống dịch Covid-19 của chuyên gia nước ngoài.

Căn cứ tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp thì: Đối với chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị cho chuyên gia nước ngoài mà doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

Tải xuống câu trả lời

Chi tiết câu hỏi:

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 2367/HQHN-TXNK ngày 13/8/2021 của Cục Hải quan TP. Hà Nội đề nghị xử lý số tiền thuế phát sinh của lô hàng 01 máy xét nghiệm virus Sars-Cov-2 qua hơi thở BreFrence Go và 10.000 bộ ống ngậm xét nghiệm của Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần (gọi tắt là Tập đoàn Vingroup).

Trả lời:

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về thuế nhập khẩu
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định hoàn thuế đối với trường hợp: “c) Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu”.
Căn cứ khoản 2 Điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định “2. Hàng hóa quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến”.
Căn cứ khoản 17 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 33 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định: “1. Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm:
a) Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khu trả lại chủ hàng, xuất khu hàng hóa đã nhập khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan. Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu;”
Căn cứ khoản 19 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 37a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định các trường hợp không thu thuế gồm: “a) Không thu thuế đi với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế theo quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37 Nghị định này”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp lô hàng máy xét nghiệm covid qua hơi thở và ống ngậm xét nghiệm của Tập đoàn Vingroup nhập khẩu sau đó tái xuất nguyên trạng (chưa qua sử dụng, gia công, chế biến tại Việt Nam) thuộc đối tượng hoàn thuế theo quy định tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 33 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ nhưng chưa nộp thuế thì thuộc trường hợp được xử lý không thu thuế theo quy định tại khoản 19 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 37a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Về thuế GTGT
Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, thì: “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”.
Căn cứ Điều 22 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thu thuế GTGT như sau: “Cơ quan Thuế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh; Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Căn cứ khoản 64 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 131 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thì:
“4. Việc xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa được hoàn thực hiện theo quy định tại Điều 132 Thông tư này. Số tiền thuế giá trị gia tăng nộp thừa được xử lý đồng thời với thuế nhập khẩu (nếu có).”
Đối chiếu với quy định trên thì cơ quan hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu và hoàn thuế GTGT nộp thừa khâu nhập khẩu.
Trường hợp của Tập đoàn Vingroup nhập khẩu lô hàng máy xét nghiệm covid qua hơi thở và ống ngậm xét nghiệm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu nhưng sau đó phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài thì cơ quan hải quan thực hiện được xử lý tiền thuế GTGT nộp thừa. Tuy nhiên, thực tế Tập đoàn Vingroup đã được tạm giải phóng hàng và chưa nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu theo văn bản chấp thuận của cơ quan hải quan để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nay hàng hóa nhập khẩu đã tái xuất nguyên trạng theo loại hình B13, không sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam thì cơ quan hải quan xử lý không thu thuế GTGT tương tự như xử lý không thu thuế nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan TP. Hà Nội biết và thực hiện./.
Tải xuống câu trả lời

Chi tiết câu hỏi:

Ngày 23/07/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội nhận được công văn số 68874/CV-MSCV ghi ngày 6/7/2021 của Công ty TNHH Thiết bị Y tế Olympus Việt Nam (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chi phí liên quan đến Covid-19.

Trả lời:

Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

“Điều 6, Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

...

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

....

- Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

...

2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

...

- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.II Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

....”

- Căn cứ tiết đ.3.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính, quy định về các khoản thu nhập chịu thuế TNCN:

“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

...

đ.3.2) Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí thẩm mỹ... nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

...

đ.7) Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng...

...”

- Căn cứ điểm a Điều 1 công văn số 7038/VPCP-KTTH ngày 24/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về chi phí cách ly, chi phí điều trị Covid-19 quy định như sau:

“a) Về chi phí cách ly tập trung

- Đối với các trường hợp thực hiện cách ly tại các doanh trại quân đội, các trường của quân đội: Tiếp tục thực hiện chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ một phần từ nguồn kinh phí do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch Covid-19.

- Đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung: Cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong những ngày cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định; đồng thời, phải chấp hành việc chỉ định xét nghiệm theo yêu cầu chuyên môn của cơ quan y tế và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.....”

....”

Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Về việc xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:

+ Đối với chi phí cách ly cho người lao động: Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

+ Khoản chi phí xét nghiệm Covid-19, tiêm vacxin cho người lao động được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động, nếu khoản chi phí này được thực hiện theo quy định tại Điểm 2.30 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) và tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

- Về việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN:

Trường hợp Công ty trong đợt dịch Covid-19 có phát sinh các khoản chi phí phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật nếu các khoản chi này nội dung ghi rõ tên cá nhân hưởng thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định tại tiết đ.3.2 Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra Kiểm tra số 2 để được hỗ trợ giải quyết.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Thiết bị Y tế Olympus Việt Nam được biết và thực hiện./.

Toàn văn Công văn trả lời

Tải xuống câu trả lời

Chi tiết câu hỏi:

Chi tiết câu hỏi :

Co tôi hỏi, để được nhận hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ thì đơn vị tôi phải đáp ứng thêm điều kiện là tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 có phải không?

Trả lời:

Trả lời :

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, quy định:

“Điều 13. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

1. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/ 2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/ 2021.

2. Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”

Theo như nội dung ông Trà trình bày và căn cứ quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 thì mới thuộc đối tượng được xem xét hỗ trợ theo quy định. Những ngành nghề không nằm trong danh mục ngành nghề phải tạm dừng thì được phép hoạt động, do đó không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Chi tiết câu hỏi:

Chi tiết câu hỏi :

Cho tôi hỏi, các phụ cấp và hỗ trợ phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 có tính thuế thu nhập cá nhân không?

Năm 2021 có thêm các chương trình mục tiêu như dân số, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC)… Vậy, cá nhân có thu nhập từ chương trình này tính thuế như thế nào?

Trả lời:

Trả lời :

Chi cục Thuế khu vực Thanh Khê – Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Điểm b.4, b.11 Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

“b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.

...b.11) Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định”.

Căn cứ Điều 3 Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 quy định điều khoản thi hành:

“1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Chế độ đặc thù quy định tại Nghị quyết này được thực hiện trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Các chế độ khác không được quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Trung tâm y tế quận Liên Chiểu thực hiện chi phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch có đầy đủ chứng từ theo quy định thì cá nhân nhận phụ cấp thuộc trường hợp không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp cá nhân có thu nhập từ các chương trình mục tiêu như dân số, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC)… do bà Yến không cung cấp hồ sơ nên Chi cục Thuế chưa có căn cứ trả lời.

Chi cục Thuế khu vực Thanh Khê – Liên Chiểu trả lời để bà Trần Ngọc Yến biết và thực hiện.

Trường hợp cần trao đổi thêm, đề nghị liên hệ Đội Tuyên truyền Hỗ trợ Người nộp thuế (số điện thoại: 0236.3751432) để được hướng dẫn.

Chi tiết câu hỏi:

Chi tiết câu hỏi :

Tôi làm việc cho doanh nghiệp, có hợp đồng lao động và đóng BHXH. TP. Tuy Hòa thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên tôi nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/6 đến ngày 31/6/2021. Vậy tôi có được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP không?

Trả lời:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên trả lời vấn đề này như sau:

Nếu công ty của ông Sơn phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 thì ông được hỗ trợ khi đủ 2 điều kiện sau:

- Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động do công ty làm.

Các khảo sát khác

Khảo sát thông tin về các vấn đề thuế - hải quan chuẩn bị Hội nghị Đối thoại Thuế - Hải quan 2021

Kết thúc: 15/11/2021

Câu hỏi: 0

Kết quả khảo sát