Gửi ý kiến theo hộp dưới đây hoặc liên hệ với chúng tôi

Chi tiết câu hỏi:

Câu hỏi thứ nhất: Công ty của tôi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì thực hiện khai thuế, nộp thuế TNDN như thế nào?

Câu hỏi thứ hai: Công ty tôi có trụ sở chính tại Thái Bình, có một chi nhánh ở Hưng Yên (chi nhánh có mã số thuế riêng), chi nhánh hạch toán phụ thuộc nhưng từ trước vẫn kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) của chi nhánh ở Hưng Yên, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế TNDN kê khai, quyết toán cùng với công ty mẹ tại Thái Bình. Vậy theo Thông tư 80/2021/TT-BTC thì thuế TNDN công ty có phải tách riêng kê khai, nộp và hạch toán cho chi nhánh Hưng Yên riêng không?

Trả lời:

Trả lời cho câu hói thứ nhất:

Người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN thực hiện tạm nộp thuế TNDN theo quý chậm nhất là ngày ngày 30 của tháng đầu quý sau tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác

tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính có thu nhập được hưởng ưu đãi khác tỉnh. Cuối kỳ tính thuế, người nộp thuế khai quyết toán thuế TNDN theo năm đối với thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác tỉnh theo mẫu số 03-3A/TNDN, 03-3B/TNDN, 03-3C/TNDN, 03-3D/TNDN tại cơ quan thuế nơi có đơn vị được hưởng ưu đãi khác tỉnh; đồng thời nộp các phụ lục này kèm tờ khai quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Trả lời cho câu hỏi thứ hai:

Về thuế TNDN: Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý thuế và Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì: Người nộp thuế thực hiện kê khai thuế TNDN tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, trừ trường hợp phải kê khai riêng quy định tại điểm h khoản 1 và điểm a khoản 6 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Trường hợp người nộp thuế thuộc trường hợp phân bổ thuế TNDN theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư số 80/2021/TT-BTC thì người nộp thuế tính phân bổ, kê khai thuế TNDN theo quy định tại khoản 2,3 Điều 17 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế.

Chi tiết câu hỏi:

Từ tháng 1/2/2022 công ty tôi xuất hóa đơn bán hàng cho khách thuế VAT 10%. Nay phát hiện ra sai sót, công ty tôi phải xuất hóa đơn điều chỉnh VAT thành 8% theo nghị quyết 43/2022. Tờ khai thuế GTGT quý 1/2022 đã nộp. Vậy vui lòng cho tôi hỏi việc xuất hóa đơn điều chỉnh này vào tháng 5/2022 thì công ty tôi phải kê khai thuế như thế nào. Nếu kê khai hóa đơn điều chỉnh như bình thường vào tờ khai thuế Quý 2 thì phụ lục 43/2022-QH15 trên tờ khai 01/GTGT quý 2 sẽ kê khai như thế nào, vì tờ khai Quý 1 công ty tôi không kê khai phụ lục 43/2022-QH15. Tương tự với hóa đơn mua vào, nhà cung cấp cũng xuất hóa đơn điều chỉnh thuế suất vào tháng 5/2022, thì công ty tôi phải kê khai điều chỉnh như nào. Xin cảm ơn Quý cơ quan!

Trả lời:

Căn cứ theo điều 47, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội quy định:

"

1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.

2. Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.

3. Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:

a) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;

b) Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.

4. Hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế bao gồm:

a) Tờ khai bổ sung;

b) Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan.

..."

Căn cứ khoản 4, điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định như sau:

"4. Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Người nộp thuế khai bổ sung như sau:

a) Trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.

Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của tháng, quý có sai, sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm.

Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm; riêng trường hợp khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng.

b) Người nộp thuế khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn trả thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có).

Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại. Người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế."

Căn cứ Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn giảm thuế quy định giảm thuế giá trị gia tăng. Tại Khoản 5, điều 1 quy định như sau:

"5. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có)."

Căn cứ quy định trên, Cục thuế TP. Hà Nội trả lời nguyên tắc như sau:

Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

Người nộp thuế thực hiện nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội và khoản 4 điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Đề nghị độc giả căn cứ vào tình hình thực tế và đối chiều với các quy định tại văn bản pháp luật nêu trên để thực hiện đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, độc giả liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị để được hướng dẫn cụ thể.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Chi tiết câu hỏi:

Kính gửi Bộ tài chính!
Công ty chúng tôi là doanh nghiệp EPE chuyên gia công, sản xuất linh kiện điện tử. Chúng tôi có một số câu hỏi sau rất mong được giải đáp sớm:
1. Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, có những khi đơn hàng giảm đột ngột, Công ty phải bố trí cho lao động nghỉ thay phiên nhau có hưởng lương 100% hoặc 70%, vừa đảm bảo đời sống của lao động và thực hiện theo quy định của Luật lao động. Vậy chi phí này có được tính là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?
2. Do nhu cầu sản xuất, có giai đoạn công nhân phải làm thêm khá nhiều. Chúng tôi đã đăng ký với Ban quản lý khu công nghiệp để làm thêm đến 300h. Tuy nhiên, do tình hình thực tế, việc tuyển thêm lao động và thuê lao động thời vụ vẫn không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Mặt khác, người lao động đều muốn tăng ca nhiều để tăng thêm thu nhập. Vì vậy, thời gian tăng ca có thể vượt mức 300h/năm/người. Vậy chi phí thêm giờ này chúng tôi có được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?
Kính mong Bộ tài chính hướng dẫn!

Trả lời:

Căn cứ Bộ luật Lao động số 45/2019/QH15 ngày 20/11/2019 quy định như sau:

Tại điều 107 quy định:

"Điều 107: Làm thêm giờ:

1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

a) Phải được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

a) Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

b) Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

c) Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

d) Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

đ) Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

4. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản 3 Điều này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

..."

Tại điều 108 quy định:

"Điều 108. Làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt

Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật này và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:

1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động."

Tại điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi bố sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã sửa đổi bố sung tại Khoản 2, Điều 6, Thông tư 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư 151/2014/TT-BTC) quy định:

"Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

...

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

...

2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

..."

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC ngày 16/03/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính, thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính quy định:

"2. Sửa đổi đoạn thứ nhất tại tiết b điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính):

b) Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.”

Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên trả lời theo nguyên tắc như sau:

1. Trường hợp trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có những đơn hàng bị giảm đột ngột, doanh nghiệp phải bố trí cho lao động nghỉ thay phiên nhau nhưng có hưởng lương 100% hoặc 70% thì: Nếu khoản chi này không liên quan đến haojt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không đáp ứng điều kiện quy định tại khản 2, điều 3, thông tư 25/2018/TT-BTC và điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì khoản chi này không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh.

2. Trường hợp doanh nghiệp nơi độc giả Đặng Thùy Dương đang làm việc là doanh nghiệp EPE chuyên sản xuất linh kiện điện tử, vì nguyên nhân khách quan phải làm thêm giờ trong mức quy định của Bộ luật Lao động, nếu doanh nghiệp đã có thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì khoản chi phí làm thêm giờ Công ty thực hiện chi trả cho người lao động và có đầy đủ chứng từ theo quy định tại các văn bản về thuế thu nhập doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp làm thêm giờ vượt mức quy định của Bộ luật Lao động thì chi phí làm thêm giờ đó không được xác định là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vậy, Cục Thuế tính Thái Nguyên thông báo để độc giả Đặng Thùy Dương biết và báo cáo Tổng cục Thuế.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Chi tiết câu hỏi:

Câu hỏi số 1:

Công ty chúng tôi có trụ sở chính tại Bình Dương và có hai Chi nhánh tại TP.HCM và TP. Hà Nội. Hiện đang kê khai và đóng BHXH tại cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương. Từ trước đến nay kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tại Bình Dương. Vậy chúng tôi có cần phân bổ thuế TNCN phải nộp về cho TP.HCM hay không? Nếu có, thì tiêu chí phân bổ là gì?

Câu hỏi số 2:

Công ty có một số nhân viên bán hàng tại các đại lý (rải rác tại nhiều tỉnh thành) có thu nhập vãng lai (trích đóng thuế TNCN 10%), vậy số thuế này có cần phải trích phân bổ về cho địa phương hay không?

Trả lời:

Trả lời cho câu hỏi số 1:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tại điểm a khoản 1 Điều 19 Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đối với trường hợp khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả tại trụ sở chính cho người lao động làm việc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác thì phải phân bổ nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, trường hợp trụ sở chính công ty của bạn khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả tại trụ sở chính cho người lao động làm việc tại chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM thì Công ty bạn phải phân bổ nghĩa vụ thuế TNCN cho địa phương Hà Nội và TP.HCM. Việc xác định số thuế được phân bổ thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 19 Thông tư số 80 của Bộ Tài chính.

Trả lời cho câu hỏi số 2:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định: Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Tại điểm a khoản 1 Điều 19 Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đối với trường hợp khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả tại trụ sở chính cho người lao động làm việc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác thì phải phân bổ nghĩa vụ thuế TNCN. Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp công ty chi trả thu nhập vãng lai cho các đại lý tại các tỉnh khác nhau thì không thuộc trường hợp phải phân bổ nghĩa vụ thuế về các địa phương khác trụ sở chính.

Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế.

Chi tiết câu hỏi:

Gia đình ông Trương Nhựt Mai Linh (Kiên Giang) kinh doanh tạp hóa nhỏ lẻ, có đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế. Do dịch COVID-19, gia đình ông phải đóng cửa hàng từ ngày 19/7 đến ngày 6/9/2021, nhưng đến nay ông vẫn chưa được nhận trợ cấp. Ông Linh hỏi, ông có được hỗ trợ khó khăn không?

Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Tại Khoản 19, Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg quy định điều kiện hỗ trợ đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế gồm: Có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế; phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động, ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Tại Khoản 20, Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế: Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Đề nghị ông nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện và liên hệ với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương hoặc UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh để được giải đáp cụ thể.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ.

Chi tiết câu hỏi:

Gia đình ông Trương Nhựt Mai Linh (Kiên Giang) kinh doanh tạp hóa nhỏ lẻ, có đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế. Do dịch COVID-19, gia đình ông phải đóng cửa hàng từ ngày 19/7 đến ngày 6/9/2021, nhưng đến nay ông vẫn chưa được nhận trợ cấp. Ông Linh hỏi, ông có được hỗ trợ khó khăn không?

Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Tại Khoản 19, Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg quy định điều kiện hỗ trợ đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế gồm: Có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế; phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động, ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Tại Khoản 20, Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế: Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Đề nghị ông nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện và liên hệ với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương hoặc UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh để được giải đáp cụ thể.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ.

Chi tiết câu hỏi:

Công ty ông Nguyễn Mạnh Quân (Hà Nội) có sản phẩm chính là hệ thống lọc không khí bao gồm: Máy lọc không khí, phần mềm điều khiển (cloud server), dịch vụ bảo trì vận hành, phụ kiện khấu hao (màng lọc). Nhưng khi ông nghiên cứu Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì không thấy quy định về mã ngành mà công ty có.

Ông Quân hỏi, máy lọc không khí, phần mềm điều khiển (cloud server), dịch vụ bảo trì vận hành, phụ kiện khấu hao (màng lọc) có được giảm thuế GTGT từ 10% về 8% hay không?

Trả lời:

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn giảm thuế quy định giảm thuế GTGT:

- Tại Điều 1 quy định về giảm thuế GTGT: "1. Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 1, Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại…

2. Mức giảm thuế GTGT

a) Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 1 Điều này…".

- Tại Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện:

"1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Điều 1 Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022…".

Căn cứ Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP;

Căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty của ông tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, cung cấp các sản phẩm là hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10% và không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP kể từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Đề nghị ông căn cứ tình hình thực tế, đối chiếu hàng hóa, dịch vụ do công ty của ông cung cấp (theo mã ngành sản phẩm Việt Nam tại Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ) với các quy định của pháp luật được trích dẫn nêu trên để thực hiện đúng theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị ông cung cấp hồ sơ liên quan đến vướng mắc và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để dược hướng dẫn cụ thể.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ.

Chi tiết câu hỏi:

Kính gửi Bộ Tài chính
Công ty cổ phần đầu tư bền vững Bis Việt Nam kính mong cơ quan chức năng hướng dẫn giúp công ty vấn đề sau:
Khoản 2, Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót trong NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH VỀ HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ Số: 123/2020/NĐ-CP có đề cập về hóa đơn sai xót:
b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
Áp dụng nghị định trên, công ty chúng tôi năm 2021 có xuất 1 hóa đơn cho khách hàng,phần khách hàng sai những nội dung: Tên công ty, Mã số thuế, Địa chỉ của khách hàng. Năm 2022 cả bên bán và bên mua đều phát hiện ra lỗi sai. Bên bán đã làm thông báo hóa đơn sai xót, làm biên bản điều chỉnh và xuất hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn sai đó. Xin Bộ tài chính xem xét giúp công ty chúng tôi làm như vậy đã hợp lý chưa ạ.
Mong nhận phản hồi sớm từ Bộ tài chính, chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Căn cứ theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Tại điều 19 quy định xử lý hóa đơn có sai sót như sau:

1. Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

Căn cứ theo quy định trên, Cục thuế TP. Hà Nội có ý kiến như sau:

Trường hợp Công ty đã lập hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và gửi cho khách hàng, sau đó phát hiện sai sót về tên công ty, mã số thuế, địa chỉ khách hàng thì Công ty có thể lựa chọn lâp hóa đơn điều chỉnh hoặc lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 19, Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc, đề nghị độc giả liên hệ cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được giải đáp cụ thể.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Chi tiết câu hỏi:

Liên quan đến việc xử lý sai sót trong việc lập hóa đơn đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, tôi xin được hỏi câu hỏi sau:
Tại Điều 19 nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về việc xử lý hóa đơn đã lập có sai sót đối với các chỉ tiêu bắt buộc như tên, địa chỉ, mã số thuế, diễn giải hàng hóa, đơn giá...Tuy nhiên nghị định không hướng dẫn xử lý sai sót đối với các chỉ tiêu không bắt buộc như hình thức thanh toán, tỷ giá..., vì vậy rất mong bộ tài chính giải đáp giúp tôi các trường hợp sau:
  • Hóa đơn đã lập ghi sai các chỉ tiêu không bắt buộc thì phải xử lý như thế nào (cả trường hợp hóa đơn đã giao cho người mua và trường hợp hóa đơn đã lập chưa giao cho người mua).
  • Nếu trên mẫu hóa đơn có các chỉ tiêu không bắt buộc thì khi lập có được bỏ trống không điền các chỉ tiêu đó không.
Rất mong nhận được sự hồi đáp từ Quý cơ quan. Tôi xin trân trọng cám ơn.

Trả lời:

Trường hợp để phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình, Bên bán đã tạo mẫu hóa đơn điện tử có thêm các nội dung khác với nội dung hướng dẫn từ khoản 1 đến khoản 13 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, thì khi lập hóa đơn điện tử Bên bán phải thể hiện đầy đủ các nội dung trên hóa đơn điện tử.

Trường hợp Bên bán lập hóa đơn điện tử, đã được cấp mã của cơ quan thuế, nếu phát sinh sai sót thì thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Đối với các sai sót về tỷ giá hay hình thức thanh toán thì Bên bán căn cứ thực tế phát sinh để lựa chọn xử lý theo khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Chi tiết câu hỏi:

Kính gửi: Bộ Tài chính.
Công ty tôi cung cấp dịch vụ bảo vệ cá nhân được miễn giảm thuế VAT 2%. Hiện tại có phát sinh vướng mắc về áp dụng thuế suất 10% hay 8% đối với hợp đồng khoảng thời gian cung cấp dịch vụ kỳ 1tháng : từ 15/1/2022 đến 14/2/2022 và điều kiện thanh toán là có biên bản nghiệm thu xác nhận khối lượng dịch vụ vào cuối kỳ (14/2) giữa hai bên và hoá đơn tài chính (ghi: Phí dịch vụ từ 15/1/2022 đến 14/2/2022). Do có chính sách miễn giảm, dịch vụ nằm giữa tháng 1và tháng 2 nên Khách hàng yêu cầu tách thành 02 hoá đơn cho khoảng thời gian từ 15/1/2022 đến 31/1/2022 chịu thuế 10% kèm biên bản nghiệm thu và khoảng thời gian 1/2/2022 đến 14/2/2022 chịu thuế 8% kèm biên bản nghiệm thu. Thưa BTC, tách hoá đơn như vậy có đúng không? Kỳ trước đó (15/12/2021đến 14/1/2022) cũng chỉ suất 1 hoá đơn thuế VAT 10% kèm biên bản nghiệm thu sau khi hoàn thành cả tháng. Rất mong sớm nhận được giải đáp của BTC.
Trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Căn cứ Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.

Căn cứ Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội:

+ Tại Điều 1 quy định về giảm thuế giá trị gia tăng:

1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.

2. Mức giảm thuế giá trị gia tăng

a) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng…

+ Tại Điều 3 quy định hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện:

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Điều 1 Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022…

Căn cứ Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

+ Tại Điều 9 quy định về thời điểm lập hóa đơn:

“…

2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng)…”

Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng:

+ Tại Điều 8 quy định thời điểm xác định thuế GTGT:

“2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền…”

Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Trường hợp Công ty của Độc giả cung cấp dịch vụ bảo vệ (đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%) không thuộc Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ thì được áp dụng giảm thuế GTGT từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với dịch vụ hoàn thành trước ngày 01/02/2022 hoặc sau ngày 31/12/2022 thì không được áp dụng giảm thuế GTGT.

Đề nghị Độc giả căn cứ tình hình thực tế, đối chiếu với các văn bản pháp luật về thuế để thực hiện đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị Độc giả cung cấp hồ sơ liên quan đến vướng mắc và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Các khảo sát khác

Khảo sát thông tin về các vấn đề thuế - hải quan chuẩn bị Hội nghị Đối thoại Thuế - Hải quan 2021

Kết thúc: 15/11/2021

Câu hỏi: 0

Kết quả khảo sát